Mục lục bài viết
Hiện nay, nghề Freelance Writer đang rất phổ biến. Nhiều bạn trẻ tuy có hứng thú nhưng ưa nắm rõ đâu là những kỹ năng cần thiết để theo đuổi nghề? Cùng tìm hiểu kỹ năng cứng và kỹ năng mềm thiết yếu để chinh phục công việc đầy thú vị và thử thách này nhé!
Thật ra đã có khá nhiều bài viết về chủ đề này, kể cả sách của tác giả Linh Phan, Hạ Chi, RioBook… Nhưng thú thật mình không tìm được đầy đủ thông tin cần thiết ứng dụng trong nghề Freelance Writer. Vì thế bài viết này ra đời! Hy vọng bạn sẽ có một góc nhìn cận cạnh để đưa ra quyết định nghề nghiệp phù hợp.
A. Kỹ năng cứng – Hard skills
Kỹ năng cứng là những kiến thức thực hành, trải nghiệm có tính chuyên môn, kỹ thuật được đúc kết thông qua quá trình học tập và làm việc. Kỹ năng cứng cần có của một Freelance Writer gồm:
1. Kỹ năng viết lách
Muốn theo đuổi nghề viết thì đây là kỹ năng nền tảng. Thật ra, làm nghề nào bạn cũng cần có kỹ năng viết để viết email, báo cáo, CV, đơn ứng tuyển, kế hoạch… Vì người có khả năng viết tốt thì sắp xếp thông tin tốt, suy nghĩ logic và diễn đạt mạch lạc.
Kỹ năng viết lách bao gồm:
- Khả năng vận dụng ngữ pháp thành thục.
- Vốn từ vựng phong phú thuộc nhiều lĩnh vực.
- Thông thạo nhiều thể loại nội dung: social post, blog, bài PR, ebook, kịch bản video, podcast…
- Kỹ năng biên tập, chỉnh sửa, hiệu chỉnh bài viết.
- Tông giọng (tone & voice) đa dạng. Khác với tác giả sách cần một phong cách viết đặc trưng, người làm nghề viết tự do thường đảm nhận nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực dành cho nhiều đối tượng. Vì thế, bạn cần rèn luyện nhiều tông giọng đa dạng để “nhạc nào cũng nhảy” được.
Bạn có thể rèn luyện kỹ năng viết bằng cách đọc nhiều sách báo, tham gia các khoá rèn luyện kỹ năng và hãy viết liên tục mỗi ngày. Bạn có thể tìm hiểu thêm Kỹ năng viết là gì và vì sao nó ngày càng quan trọng.
Cách sách bạn có thể tìm đọc để nâng cao kỹ năng viết:
- Thuật viết lách từ A-Z – Ngọc Trân
- Lang thang trong chữ – Hồ Anh Thái
- 90 20 30 – Huỳnh Vĩnh Sơn
- Con đường trở thành Freelance Writer – Linh Phan
2. Kỹ năng tìm kiếm thông tin

Giữa đại dương thông tin mênh mông thời 4.0, bạn cần có kỹ năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin. Trong đó, thông tin có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau: sách báo, chuyên gia, phỏng vấn hay thông dụng nhất là trên internet. Các công cụ tìm kiếm thông tin thông dụng hiện nay gồm có: Google, Bing, Cốc Cốc… Hơn thế nữa, bạn còn phải học cách search Google sao cho chuẩn để lấy được thông tin mình cần. Dưới đây là một số trang web hướng dẫn bạn các mẹo Tìm kiếm nâng cao Google. Hãy lấy giấy bút note lại và áp dụng ngay nhé!
- https://iconicjob.vn/blog/10-thu-thuat-tim-kiem-tren-google-khong-phai-ai-cung-biet
- https://seothetop.com/blog/tim-kiem-nang-cao-google-157127.html
Đặc biệt, sự ra đời của ChatGPT – một chatbot ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI – vào tháng 11/2022 đang khiến các gã khổng lồ tìm kiếm như Google lo lắng. ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí sửa lỗi trong lập trình. Trong tương lai, công nghệ này hứa hẹn sẽ giúp việc tìm kiếm thông tin nói riêng và cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
3. Kiến thức Content Marketing & Digital Marketing
Content Marketing là phương pháp tiếp thị tập trung vào việc lên kế hoạch, xây dựng, phân phối nội dung có giá trị, nhất quán và phù hợp với đối tượng mục tiêu, nhằm thu hút họ chú ý, tương tác và đi đến hành động, từ đó tạo ra lợi ích cụ thể.
Có một sự thật là không phải người nào viết tốt cũng làm Content Marketing giỏi. Content Marketing là một phương pháp tiếp thị. Vì thế, bạn cần nắm rõ kiến thức căn bản để có thể làm việc hiệu quả hơn:
- Thấu hiểu insights khách hàng. Nếu trong buổi “bình minh” của ngành Marketing, người làm tiếp thị cứ phải đoán ý người tiêu dùng thì nay mọi insight đều có thể được giải đáp bằng dữ liệu data-driven. Từ cuối 2022 – đầu 2023, kha khá JD tuyển Content Marketing yêu cầu kiến thức data từ SQL đến R hay Python.
- Biết cách lên chiến lược nội dung Content Plan hay Content Direction.
- Lựa chọn các hình thức nội dung sáng tạo, hữu ích và hấp dẫn như video, social post, blog post, podcast, infographic, ebook, webinar…
- Có kỹ năng viết nội dung đa dạng, đánh đúng vào nhu cầu khách hàng.
- Lựa chọn kênh phân phối nội dung hiệu quả như Facebook, Blog, Email…
- Biết cách đọc số liệu để đánh giá hiệu quả của kế hoạch nội dung.
- Có kiến thức căn bản về SEO, Digital Marketing và thiết kế hình ảnh để phối hợp thực hiện với các bên như Designer, Media, SEO và Data.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết Content Marketing là gì trong bài viết này hoặc tìm hiểu sâu hơn Sự khác nhau giữa Content Writing và Copywriting trong bài viết này.
4. Ngoại ngữ
Hiện nay, ngoại ngữ mà cụ thể là Tiếng Anh là yêu cầu cơ bản của bất kỳ công việc nào chứ không chỉ đối với dân làm nội dung. Có Tiếng Anh, bạn có thể tìm kiếm và tổng hợp được nhiều thông tin hữu ích. Vì đây là ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới nên lượng thông tin cũng đa dạng và chất lượng hơn nếu chỉ search Tiếng Việt.
Có Tiếng Anh, bạn có thể có được cơ hội công việc, dự án lớn, chuyên nghiệp hơn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bạn có thể ứng tuyển vị trí Freelance Writer trên các trang tìm việc quốc tế như Fiverr hay Upwork với mức giá cao hơn. Việc trao đổi với khách hàng trong quá trình làm việc cũng sẽ dễ dàng hơn.
Hơn thế nữa, việc rành rẽ ngoại ngữ cũng giúp bạn có cơ hội nâng cao kỹ năng Digital Marketing vì phần lớn kiến thức chuyên ngành vẫn được đào tạo bằng Tiếng Anh. Nhờ đó, bạn có thể học trên các trang MOC lớn như Google Digital Garage, Cousera, Udemy… một cách dễ dàng.
5. Ứng dụng công nghệ
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người làm Freelance Writer còn nên học cách sử dụng các công cụ online để phục vụ quá trình làm việc. Ví dụ như:
- SEO tools: công cụ tìm kiếm từ khoá, công cụ đánh giá hiệu quả SEO như Google Keyword Planner, SEMrush, Google Ads, Google Analytics…
- Công cụ quản lý dự án: như Trello, Asana, Monday.com, Jira… Các dự án Freelance trong và ngoài nước mình từng thực hiện đều được trao đổi thông qua email và các công cụ này.
- Công cụ thiết kế hình ảnh: có thể bạn không cần sử dụng thành thạo AI hay PTS như Designer nhưng ít nhất, bạn nên hiểu rõ nguyên tắc thẩm mỹ cơ bản và sử dụng được Canva hay Figma.
- Các công cụ soạn thảo, lưu trữ nội dung, họp online: như Microsoft Office, Google Drive, Google Meeting, Zoom, Evernote…
- Các nền tảng quản lý nội dung (CMS): WordPress…
- Mạng xã hội (Social Media): như Facebook, Instagram, Linkedin, Tik Tok… Mỗi kênh phù hợp với một nhóm đối tượng và có cách vận hành nội dung, quảng cáo khác nhau.
- Data tools: Excel, SQL, Python, R…
6. Hiểu biết về thủ tục – giấy tờ
Bạn hãy phát triển nghề Freelance Writer như một công việc kinh doanh thực thụ chứ không chỉ là một cuộc dạo chơi. Và để có thể tự bảo vệ bản thân, bạn cần phải có hợp đồng làm việc. Hoặc ít nhất, hãy trao đổi điều khoản công việc càng chi tiết càng tốt thông qua email chứ đừng chỉ nói miệng hay chat chit.
Bạn cần trang bị cho mình những hiểu biết căn bản về các loại thủ tục, giấy tờ như:
- Hợp đồng lao động
- Bảng báo giá với các điều khoản rõ ràng cho phạm vi dịch vụ bạn cung cấp
- Thoả thuận bảo mật thông tin NDA Non-disclosure agreement (làm với các công ty lớn thường có thêm cái này)
- Thuế thu nhập cá nhân
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Biên bản nghiệm thu công việc
- Invoice – hoá đơn thanh toán
- Các hình thức thanh toán
- Cách giải quyết khi xảy ra trường hợp không mong muốn như hoãn, huỷ hoặc vi phạm hợp đồng
B. Kỹ năng mềm – Soft skills
Bên cạnh kỹ năng cứng thì còn có kỹ năng mềm (soft skills) là khả năng tương tác với xã hội. Nếu muốn theo đuổi công việc Freelance Writer thì bạn nên rèn luyện các kỹ năng mềm sau:
1. Kỹ năng giao tiếp
Freelance là công việc độc lập nhưng không đồng nghĩa bạn chỉ làm việc một mình.
- Bạn phải chủ động tìm kiếm khách hàng thường xuyên để duy trì thu nhập.
- Bạn phải tự nhận brief (yêu cầu công việc) và tự debrief (phân tích yêu cầu khách hàng).
- Bạn phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng, Account, Designer, Media, SEO.
Vì thế, bạn phải rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Hay ít nhất, bạn phải có khả năng trao đổi thông tin rõ ràng, mạch lạc bằng các hình thức từ email, chat, họp online, gặp trực tiếp… để không gây ra hiểu lầm đáng tiếc.
2. Quản trị thời gian, dự án
Nếu không biết cách quản lý thời gian thì người làm Freelance Writer dễ bị “lập lờ” giữa thời gian cá nhân và công việc, ảnh hưởng đến “work – life balance” còn nghiêm trọng hơn khi đi làm văn phòng. Để quản lý lịch trình, thời gian biểu và các dự án, bạn cần:
- Công cụ quản lý công việc như Trello, Asana, Monday.com, Jira, Google Calendar, Notion…
- Biết cách lên to-do list hợp lý hàng ngày, tuần, tháng, quý hay thậm chí là các dự án lớn cho 6 tháng, 1 năm.
- Tìm ra khoảng thời gian, không gian làm việc giúp tăng năng suất.
- Áp dụng Ma trận Eisenhower để quản lý công việc.
- Áp dụng phương pháp Pomodoro để quản lý thời gian, tăng khả năng tập trung và năng suất.
Ma trận Eisenhower

Bước 1: Lập danh sách đầy đủ công việc cần làm.
Bước 2: Sắp xếp từng công việc vào 4 nhóm:
- Việc khẩn cấp, quan trọng.
- Việc quan trọng, không khẩn cấp.
- Việc khẩn cấp, không quan trọng.
- Việc không quan trọng, không khẩn cấp.
Bước 3: Bắt đầu làm việc theo thứ tự ưu tiên.
- Cấp độ 1 – Việc khẩn cấp và quan trọng.
- Cấp độ 2 – Việc quan trọng, không khẩn cấp.
- Cấp độ 3 – Việc khẩn cấp, không quan trọng.
- Cấp độ 4 – Việc không quan trọng, không khẩn cấp.
Phương pháp Pomodoro

Pomodoro là phương pháp quản trị thời gian để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc. Trong tiếng Ý, Pomodoro có nghĩa là quả cà chua.
- Bước 1: Chọn công việc sẽ làm.
- Bước 2: Đặt thời gian, thông thường là 25 phút hoặc 50 phút.
- Bước 3: Làm việc cho đến khi hết 25 phút hoặc 50 phút.
- Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút hoặc 10 phút.
- Bước 5: Sau 4 lần nghỉ giải lao trên thì nghỉ dài hơn với 10 phút (hoặc 15 – 30 phút).
Bạn có thể vào Youtube và search từ khoá study with me pomodoro sẽ ra kết quả các video nhạc được chia sẵn đồng hồ đếm thời gian làm việc – nghỉ ngơi theo phương pháp này. Vừa nghe nhạc, vừa làm việc hiệu quả thì còn gì bằng đúng không nào?
3. Khả năng sáng tạo
Về bản chất, Freelance Writer là công việc sáng tạo nội dung hấp dẫn để thu hút khách hàng. Bạn có thể bồi đắp khả năng sáng tạo bằng cách:
- Đọc nhiều sách báo đa dạng thể loại, chủ đề và đọc sâu vào chủ đề bạn thích nhất.
- Luyện viết mỗi ngày.
- Trải nghiệm cuộc sống đa dạng và sâu sắc hơn. Có một câu nói mình rất thích là bạn không thể viết nhiều hơn những gì mình đã sống được.
- Có một quyển sổ hoặc ứng dụng giúp bạn ghi chép ý tưởng sáng tạo mọi lúc mọi nơi.
- Đi du lịch.
- Nghe nhạc.
- Làm những điều mới mẻ hàng ngày.
- Gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người hơn, làm freelance không có nghĩa bạn chỉ làm việc một mình.
- Luyện tập khả năng quan sát.
4. Tìm kiếm khách hàng
Khi đi làm ở văn phòng, khâu tìm kiếm khách hàng sẽ do đội sale, account hay các sếp đảm nhận, người làm content chỉ việc tập trung chuyên môn sáng tạo nội dung. Nhưng khi làm việc tự do, bạn phải “tự thân vận động” tìm kiếm khách hàng thông qua:
- Các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.
- Khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới.
- Tự ứng tuyển thông tin đến các agency, công ty, trang báo… mà bạn quan tâm. Các công ty hiện nay có nhu cầu tuyển dụng freelancer thường xuyên.
- Các trang tuyển freelancer trong và ngoài nước: https://www.vlance.vn/, https://www.vn.freelancer.com/, https://freelancerviet.vn/, https://www.fiverr.com/, https://www.upwork.com/
5. Xây dựng thương hiệu cá nhân
Đối với Freelance Writer thì thương hiệu cá nhân rất quan trọng. Khách hàng không thể tìm đến bạn nếu chẳng biết bạn là ai. Bạn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân của mình bằng cách:
- Tạo Portfolio (Bảng tổng hợp các công việc từng làm) trên blog, website, Linkedin…
- Phát triển các trang mạng xã hội, blog cá nhân và thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn.
- Tham gia các buổi networking, webinar, event để xây dựng networking chất lượng cho công việc.
- Định vị bản thân trở thành cây viết chuyên về một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể và không ngừng cập nhật kiến thức. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.
- Đặt uy tín lên hàng đầu trong quá trình làm việc: content chất lượng, đúng deadline, mức giá phù hợp, giao tiếp tốt, làm việc nhiệt tình…
Tạm kết
Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn cái nhìn tương đối chi tiết về các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm cần có để theo đuổi công việc Freelance Writer. Không có nghề nào mà không cần nỗ lực. Nếu bạn chưa đáp ứng đầy đủ các kỹ năng trên thì cũng đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện chúng theo thời gian, miễn là bạn thực sự yêu thích và kiên định theo đuổi.
Cảm ơn bạn đã theo dõi blog gemysix.com. Bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết cùng chuyên mục Freelance Writing tại đây.