Các kỹ thuật viết lách cơ bản cho cây bút trẻ

Kỹ năng viếtLeave a Comment on Các kỹ thuật viết lách cơ bản cho cây bút trẻ

Các kỹ thuật viết lách cơ bản cho cây bút trẻ

Mục lục bài viết

Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp các kỹ thuật viết lách căn bản, quan trọng được Nhà báo Ngọc Trân chia sẻ trong sách “Thuật viết lách từ A đến Z”. Đây là quyển sách gối đầu giường của mình từ những ngày đầu theo nghiệp viết đến tận hôm nay. Hơi đáng tiếc là quyển sách này hiện đã hết hàng trên các nhà sách online. Mình hy vọng nó sẽ sớm được tái bản để nhiều bạn trẻ yêu viết lách có thể tiếp cận hơn.

cac-ky-thuat-viet-lach-co-ban-cho-cay-but-tre-1

Sách gồm 18 chương, do Nhà xuất bản Văn hóa TP. Hồ Chí Minh ấn hành dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2015. Nội dung trong sách có thể xếp thành 3 phần lớn:

  1. Ban đầu, người bước vào nghề cần biết những kỹ thuật viết lách nên dùng trước khi viết bài để sau đó chữ nghĩa tuôn ra dễ dàng hơn.
  2. Tiếp đó, cần tìm ý tưởng, góc nhìn; lập dàn bài; sắp xếp ý và thông tin; trình bày ý tưởng; sử dụng từ điển để lựa chọn từ đúng, từ phù hợp; lắng nghe âm thanh của câu văn; dùng phép nối; kỹ thuật viết lách mở rộng câu; làm cho câu cân phân và không bị sai quy chiếu; làm chủ cách phỏng vấn; kỹ thuật viết lách theo hình tháp ngược; giật tít cho thu hút…
  3. Cuối cùng là kỹ thuật biên tập lại để tác phẩm đạt được độ hoàn chỉnh, thống nhất cần thiết.

1. Về tác giả Ngọc Trân

Nhà báo Ngọc Trân là cố vấn biên tập các tạp chí Nhà và Đất, Nhịp cầu Đầu tư, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng thường xuyên được các hội nhà báo mời thực hiện các lớp kỹ thuật viết lách, viết tin thời sự, viết bài kinh tế, kỹ thuật phóng sự, nghiệp vụ biên tập…

Ông từng làm việc cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France. Ông được Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh trao giải nhất Phóng sự – Điều tra; Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí.

2. Bài học từ sách “Thuật viết lách từ A đến Z”

Chương Dẫn nhập: Từ từ mà bước… nhưng cần bước mỗi ngày

Trước khi viết cho hay, cần viết cho đáng tin và dễ hiểu. Để dễ hiểu cần viết đơn giản, trực tiếp và súc tích. Cũng cần dùng từ giản dị và tránh lặp từ. Những người viết lung tung và sáo rỗng thường do không gắng sức lúc tìm thông tin cũng như không chăm chút khi viết.

Chỉ nên dùng trạng từ và tính từ một cách vừa phải. Không dùng tính từ nếu đã dùng danh từ một cách hợp lý và không dùng trạng từ nếu đã dùng động từ một cách chính xác. Không chỉ viết câu đúng và đơn giản, mà còn nên viết câu ngắn để độc giả hiểu nhanh. Câu ngắn thôi vẫn chưa đủ: bài cũng cần ngắn. Độc giả ít khi thích đọc bài dài.

Chương 1: Luôn cần ý tưởng

Muốn viết bài trước hết phải tìm ra ý tưởng. Ý tưởng về đề tài là quan trọng nhất rồi đến góc nhìn. Và bạn cần động não để tìm ý tưởng lẫn góc nhìn. Cần để cho ý tưởng tuôn trào một cách tự nhiên và lọc ra chủ đề. Từ đó viết ra góc nhìn, tức chủ đề đã được thu hẹp; tiếp đến là viết luận đề.

Về động não, có thể dùng ba cách.

  • Cho người thuận não trái, là ghi chủ đề ra, tìm ba hoặc bốn ý phụ và sắp xếp chúng lại.
  • Cho người thuận não phải, ghi chủ đề, viết những ý, thông tin tìm được xung quanh chủ đề và sắp xếp chúng lại.
  • Cũng có thể viết tự do. Sau đó sắp xếp lại.

Chương 2: Lập dàn bài cho chắc ăn

Để tìm ý tưởng, thông tin và lập dàn bài, bạn có thể sử dụng kinh nghiệm bản thân. Cũng cần phỏng vấn người xung quanh về chủ đề mình muốn viết và tra cứu tài liệu tại thư viện hoặc qua Internet. Tuy nhiên, luôn tìm cách kiểm tra những gì thu thập được. Nên đoán trước và trả lời câu hỏi của độc giả, nhờ đó có thể làm lại dàn bài.

Chương 3: Kỹ thuật sắp xếp ý và thông tin

Bạn đã tìm được ý và thông tin cần thiết để viết bài, nhưng đừng vội. Trước hết, hãy lấy chúng ra, rồi sắp xếp lại theo một thứ tự nhất định. Sau khi đã thu thập được thông tin, bạn nên lập một danh sách các ý, thông tin cho bài. Sau đó lấy những ý, thông tin đó tập hợp thành nhóm lại, loại bỏ ý hoặc thông tin không liên quan đến chủ đề.

Rồi làm dàn bài với phần mở bài hấp dẫn được độc giả. Đối với thân bài thì chia theo từng nhóm ý, thông tin gắn với góc nhìn về chủ đề. Cuối bài, có thể tóm tắt lại ý chính hoặc mở rộng vấn đề ra, để độc giả suy gẫm thêm.

Chương 4: Trình bày ý tưởng

Sau khi đã lập dàn bài, bạn đã có thể bắt tay vào viết lách. Cần nhớ ba quy tắc. Thứ nhất, sử dụng nhiều chi tiết. Thứ nhì, đi theo một trật tự tự nhiên: trước nói trước, sau nói sau. Thứ ba, tập trung vào chủ đề, không lan man.

Để cho bài thêm phần hấp dẫn, cần sử dụng thêm phép so sánh, đối chọi và ẩn dụ cùng ám chỉ. Việc sử dụng phép ám chỉ có thể giúp tạo sự giao tiếp thân mật giữa bạn và độc giả.

Chương 5: Sử dụng từ điển

Không thể viết hay với vốn từ gồm toàn những từ quen thuộc. Càng biết nhiều từ – nhờ từ điển – càng có thêm lựa chọn. Nhờ đó bạn sẽ có thể tìm ra từ đúng, từ phù hợp cho bài viết.

Hãy phát triển kho từ vựng bằng cách đọc, tra từ điển đồng nghĩa và từ điển phổ thông, áp dụng từ mới vào viết và nói đến khi chúng trở thành một phần quen thuộc và tự nhiên của quá trình tư duy. Thường xuyên sử dụng vốn từ có sẵn để những từ này lúc nào cũng có thể xuất hiện, mà không cần phải suy nghĩ lâu.

Chương 6: Lắng nghe âm thanh của câu

Văn viết thật ra chỉ là một dạng nói năng nhưng cẩn thận và trau chuốt. Trong khi đọc, bạn không chỉ nhìn mà còn nghe – nghe âm thanh từ câu từ của tác giả. Các câu trong văn viết cần mang âm hưởng lời nói linh hoạt, được sắp xếp cẩn thận, hoàn toàn tự nhiên với đôi tai của “độc giả – thính giả”. Văn viết cũng chỉ là một dạng nói năng.

Khi viết, hãy dùng câu dài, ngắn và vừa thay đổi nhau nhằm tạo nhịp điệu cho đoạn, qua đó cho cả bài. Luôn có thể kéo dài câu đơn ra, làm cho câu phức tạp hơn, hay hơn.

Chương 7: Kỹ thuật viết khác khi tình huống khác

Hãy sử dụng tiếng Việt trang trọng hoặc không trang trọng phù hợp với độc giả mình nhắm tới và với chủ đề của bài. Viết trang trọng hay bình thường đều do từ ngữ và cách dùng từ ngữ đó mà ra. Có thể làm cho chúng giống hoặc không giống với văn nói. Luôn tóm tắt ý chính hoặc dùng minh hoạ, giai thoại hấp dẫn, thông tin gây ấn tượng về chủ đề ở ngay đầu bài.

Chương 8: Cần dùng phép nối

Cần làm cho độc giả biết ý tưởng, thông tin của bạn đã được gắn kết với nhau. Để làm được việc này, bạn nên theo ba cách:

  • Thứ nhất, sử dụng từ nối, thành phần nối.
  • Thứ nhì, dùng từ tham chiếu ngược lại với từ đã dùng trước đó.
  • Thứ ba, sử dụng câu có quan hệ gần nhau về mặt ý nghĩa.

Để đánh dấu, chỉ cho độc giả thấy rõ mình chuyển ý thì dùng một đoạn mới. Cũng gắn kết các đoạn với nhau giống như đã gắn kết các câu. Các đoạn giữa của bài tạo nên phần lý lẽ cho bài và số đoạn sẽ phụ thuộc số lượng ý, thông tin bạn muốn đưa ra. Nên dùng độ dài ngắn khác nhau, nhưng trước mắt, hãy tập trung viết các đoạn tương đối dài để có thể cảm nhận được cấu trúc của chúng: câu chủ đề, các câu giữa và câu kết đề.

Chương 9: Biết xa, biết gần

Khi dùng từ ngữ để miêu tả một vật, đó không chỉ là vật được đề cập đến mà còn là khoảng cách giữa người viết với vật đó. Luôn có thể chọn giữa từ xa, từ gần với từ sát bên bạn về mặt không gian, tuỳ góc nhìn của bạn.

Không nên lạm dụng từ ngữ bóng bẩy; luôn tìm từ ngữ gần gũi nhằm diễn tả điều bạn muốn nói. Để diễn đạt ý tưởng trừu tượng với từ ngữ gần gũi, nên dùng so sánh, minh hoạ hoặc hình ảnh do bạn nghĩ ra.

Chương 10: Kỹ thuật viết mở rộng câu

Cần viết câu sao cho đa dạng nhằm đạt đến sự tự nhiên. Hãy viết với phát ngôn nòng cốt lẫn câu mở rộng ở giữa, câu mở rộng trước hoặc sau thành phần này, và câu mở rộng kết hợp. Việc thêm chi tiết vào phát ngôn nòng cốt sẽ giúp bạn tạo ra bất kỳ dạng câu nào. Và câu nào cũng có thể được chuyển dịch hoặc thay đổi; chúng không giống bê tông hoặc từ ngữ được khắc trên đá.

Cũng cần lắng nghe câu chữ, nhằm tạo ra nhịp điệu tự nhiên như văn nói. Đây còn là cách giúp bạn đa dạng hoá câu văn. Hãy thư giãn và thoải mái. Chơi đùa với câu. Kết hợp, biến đổi, chuyển, thêm, bớt, chia hoặc nhân lên. Luôn tận dụng mọi cách thức của thuật hành văn.

Chương 11: Rành rẽ cân phân

Các thành phần trong một câu có chức năng giống nhau hoặc diễn đạt ý tương đương luôn cần cân phân hoặc tương thích về mặt ngữ pháp. Cân phân được sử dụng như một biện pháp hùng biện và tu từ trong tác phẩm văn chương, diễn văn, quảng cáo lẫn bài hát. Làm chủ nghệ thuật cân bằng các yếu tố đối xứng là công việc thú vị đối với người cầm bút. Nhưng sự thú vị sẽ tăng hơn vì, qua đó, bạn sẽ tiến bộ rõ rệt trong hành văn.

Dù đơn giản hay phức tạp, cấu trúc cân phân nào cũng đều xoay quanh việc kiểm soát mọi yếu tố trong câu. Nếu những yếu tố đối xứng luôn cân bằng, câu sẽ thống nhất, hoàn chỉnh và cân đối. Như vậy, khi đọc lên cũng sẽ trôi chảy và dễ nghe. Cấu trúc cân phân tạo ra sự nhất quán về cấu trúc ngữ pháp trong câu.

Chương 12: Kỹ thuật viết lách cho lời văn thêm mạnh mẽ

Viết không giống như biết đánh vần, mà tinh tế hơn. Viết không chỉ là biết dùng ngữ pháp, mà còn hơn thế nữa: chúng ta tóm lấy ý tưởng, nhìn ra hình ảnh, biến hoá câu từ để thổi hồn vào bài. Không có quy tắc hay quy ước rõ ràng, đầy đủ về việc đưa con chữ lên trang giấy. Quan trọng nhất trong viết lách: đầu óc của người viết.

Để lời văn thêm mạnh mẽ, bạn nên:

  • Cô đọng từ ngữ
  • Dùng thể chủ động nhiều hơn
  • Đặt trọng tâm ở cuối câu
  • Sắp xếp từ ngữ nhằm tiến đến cao trào ở cuối câu
  • Rồi đọc từng đoạn văn, tìm ra lỗi và sửa

Chương 13: Tìm đến sự hấp dẫn

Giả sử bạn đến thư viện, chọn một cuốn sách trên giá và muốn biết ngay liệu nó có hấp dẫn hay không. Bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ lướt qua sách để xem có nhiều đoạn đối thoại hay tranh ảnh không, hay chỉ đặc những chữ là chữ.

  • Dùng trích dẫn trực tiếp bất cứ khi nào thích hợp và viết cho tự nhiên.
  • Sự dụng dạng câu hỏi – đáp.
  • Thay đổi độ dài và cấu trúc câu.
  • Thêm dấu ấn cá nhân và sự hài hước vào bài khi có thể.

Chương 14: Không quên quy chiếu

Câu sai quy chiếu là câu có cấu trúc buộc người đọc hiểu một vật hay một người này trong khi người viết muốn chỉ một vật hay một người khác. Trong khi tìm cách diễn đạt ý, thông tin sao cho ngắn gọn nhất, có thể bạn đã loại bỏ một yếu tố tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại cần thiết, khiến cho câu bị lỗi quy chiếu.

Để câu không bị sai về quy chiếu, bạn nên xem xét:

  • Mệnh đề, cụm từ và từ đơn lẻ đã nằm đúng chỗ hay không trong câu.
  • Mệnh đề bắt đầu bằng giới từ có gây ra lỗi hay không.
  • So sánh đúng hay chưa.
  • Trạng từ hoặc cụm từ bổ nghĩa được thêm vào trong câu có tham chiếu tới ý hoặc thông tin ở trước hay sau một cách rõ ràng hay không.
  • Từ đó được sử dụng đúng hay chưa.

Chương 15: Làm chủ cách phỏng vấn

Phỏng vấn cần trở thành khẩu phần chính trong thực đơn hằng ngày của bạn; nó sẽ giúp bạn thu thập thông tin và trích dẫn cần thiết, nếu không bài sẽ kém trọng lượng, thiếu hấp dẫn. Nhờ đó bạn còn lấy được thông tin về một con người, để viết bài chân dung – loại bài độc giả luôn tìm đọc.

Phỏng vấn gồm ba dạng chính: lấy tin tức; thu thập ý kiến chuyên gia, người biết chuyện; và nhằm viết chân dung nhân vật. Cần nghiên cứu người được phỏng vấn cùng chủ đề trước. Có thể qua Internet hoặc tại các thư viện. Về câu hỏi thì có hai loại: đóng (ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao, như thế nào) và mở, “Ông bà nghĩ gì về chuyện này?”.

Chương 16: Kỹ thuật viết theo hình tháp ngược

Bài kiểu hình tháp ngược tuân theo nguyên tắc sau: đưa ra kết quả, kết luận trước, vạch con đường dẫn tới kết quả, kết luận đó cùng lý do bạn làm như vậy. Thông tin quan trọng nhất sẽ được đưa vào ngay đoạn mở đầu (đoạn 1), rồi đi xuống các chi tiết (đoạn 2,3 4…).

Khi viết kiểu này, bạn cần trả lời các câu hỏi: Chuyện gì? Ai? Lúc nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào? Cũng cần công bình: trích dẫn lời lẽ của cả hai bên đối nghịch nhau. Bài theo kỹ thuật viết hình tháp ngược không có phần kết luận. Kiểu viết này tạo thuận lợi cho cả người viết, người biên tập lẫn người đọc.

Chương 17: Kỹ thuật giật tít cho thu hút

Trong một thế giới tràn ngập thông tin, làm thế nào để bài viết của bạn thu hút được sự chú ý? Nội dung hay chỉ chiếm một phần mà thôi; bạn cần một cái tít cực kỳ hấp dẫn nữa. Các tờ báo và công ty truyền thông thường dựa vào bốn yếu tố nhằm cuốn hút độc giả vào bài, theo thứ tự sau:

  • Ảnh hoặc hình minh hoạ
  • Tít
  • Sapo tức dẫn nhập, và trích dẫn hoặc những yếu tố làm nổi bật hay bổ sung thông tin tương tự
  • Phần khởi, tức đầu bài

Bốn nhiệm vụ của tít:

  • Thu hút họ chú ý
  • Truyền đạt thông điệp
  • Lựa chọn độc giả
  • Lôi kéo họ vào bài

Các bí kíp viết tít hay:

Quan tâm những từ đầuTìm từ đồng nghĩaSử dụng con số
Tránh sự thừa thãiDùng tên người nổi tiếngDùng danh sách
Dùng cái gì, tại sao, như thế nào hoặc khi nàoĐánh vào cảm xúcDùng tính từ, cụm tính từ thu hút
Gắn với ngữ cảnhHứa một cách táo bạo 

Bạn cần rút tít hay và phù hợp với nội dung bài, đặc biệt với bài online. Nên tự hỏi tít như thế có thúc đẩy mình đọc tiếp vào bài hay không. Cũng cần dùng từ khoá thích hợp để bài lên đầu danh sách kết quả tìm kiếm của Google. Luôn đọc lại bài để tìm ra tít kiểu tóm tắt là tít dễ hiểu nhất; nó cho biết rõ nội dung bài đề cập.

Chương 18: Kỹ thuật tự biên tập

Hễ có người viết thì có người biên tập. Người biên tập đọc lại, suy nghĩ, làm cho tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trước khi gửi bài đến biên tập viên để được chỉnh sửa, bạn nên tự biên tập bài của mình.

Có thể biên tập kiểu cái búa – cắt cả đoạn và kiểu cái kéo – cắt từng chi tiết một. Cũng cần đọc to bài thành tiếng để lắng nghe nhịp điệu của cả bài. Rồi sửa lỗi từ vựng – từ thừa, dùng sai từ, từ sáo rỗng; lỗi ngữ pháp; lỗi chính tả; lỗi đánh máy. Bạn phải còn kiểm tra xem thông tin, kiến thức trong bài đã đúng hay chưa. Sau đó thì sửa tít. Cuối cùng, cần tự hỏi lại một số câu về chủ đề, ý tưởng, thông tin… để sửa bài thêm lần nữa.

Lời kết

Theo tác giả, học kỹ thuật viết lách không khác gì học chơi đàn hay bơi lội. Trong cả ba trường hợp này, người học đều được rèn luyện hoặc tự rèn luyện để phát triển một kỹ năng. Nếu phải viết lách vì công việc hoặc do muốn chọn viết lách như nghề kiếm cơm kiếm thóc, thì chắc chắn sách này được dành cho bạn. Nhưng nếu chỉ xem nó là một nguồn vui, thì sách này cũng lại dành cho bạn. Viết lách là môn giải trí hầu như không tốn tiền. Mà nhiều khi là một kỹ thuật rất hữu ích.

Hy vọng bài viết tóm tắt các kỹ thuật viết lách nền tảng này của mình hữu ích với bạn – những người viết mới đam mê với câu chữ. Cảm ơn bạn đã theo dõi Blog gemysix.com. Đây là Blog về Kỹ năng viết lách, Content MarketingFreelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top