Mục lục bài viết
Với cả những cây bút chuyên nghiệp, đôi khi viết lách là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức lẫn đam mê. Nhưng không phải cứ mê hay ráng là viết tốt được ngay. Viết lách cần quá trình rèn luyện để nâng tầm. Vậy làm thế nào để cải thiện kỹ năng viết nhanh chóng? 7 mẹo dưới đây sẽ giúp bạn nâng kỹ năng viết lên một tầm cao mới.
1. Đọc mỗi ngày
Để trở thành một người viết tốt, hãy là một người đọc giỏi. Hãy đọc mỗi ngày. Bạn có thể đọc sách chuyên ngành, tiểu thuyết, báo, tạp chí, blog hay status Facebook. Việc đọc không những giúp bạn xây dựng nền tảng kiến thức, cải thiện kỹ năng đọc mà còn cho phép bạn gia tăng vốn từ vựng, ngữ pháp, làm quen nhiều phong cách viết, hình thức nội dung và giọng văn khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn nâng tầm kỹ năng viết lách.
Đừng quên đặt mục tiêu cho thói quen đọc sách. Mình thường dành từ 30 phút mỗi ngày lúc đi cà phê sáng hoặc trước giờ đi ngủ để đọc sách. Cuốn sách yêu thích gần đây của mình là Châu Phi nghìn trùng của tác giả Isak Dinesen và dịch giả Hà Thế Giang. Dù trước giờ mình luôn tự tin vào vốn từ vựng của bản thân nhưng khi đọc quyển sách này, rất nhiều lần mình phải tra từ điển hoặc thậm chí đi hỏi bạn bè mà vẫn chưa hiểu rõ nghĩa. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, đọc một trang sách vỡ ra cả một thế giới.
2. Theo dõi nội dung yêu thích
Ai cũng có danh sách các trang báo, blog, tác giả hay nhân vật yêu thích. Vậy vì sao nội dung của họ lại thu hút bạn? Đâu là điểm đặc biệt trong cách họ viết? Bạn có thể học hỏi điều gì? Đó có thể là cách viết tiêu đề thu hút, cấu trúc câu, cách dùng từ, tăng giảm nhịp điệu bài viết… Cải thiện từng điểm nhỏ này cũng có thể giúp bạn rút ngắn con đường thành thạo kỹ năng viết. Vì nếu chúng có thể thành công với người khác, thì cũng có khả năng sẽ thành công với bạn. Hãy trực tiếp áp dụng và sàng lọc cho phù hợp với bản thân. Chỉ cần bạn tỉnh táo phân biệt rõ giới hạn giữa học hỏi và copy là được.
Mình thường theo dõi Facebook của chị Nguyễn Phương Mai để học phong cách viết thẳng thắn, cách dẫn nguồn và mở rộng quan điểm về các vấn đề xã hội. Mình thích không khí siêu thực trong các tác phẩm của nhà văn người Nhật Haruki Murakami. Vì đang làm việc trong ngành Quảng Cáo nên mình cũng thường xuyên theo dõi thông tin, kiến thức và case studies của đồng nghiệp cùng ngành.
3. Tạo quy trình viết
Tuy mỗi người viết chuyên nghiệp sẽ có cách viết riêng, nhưng nếu có một quy trình rõ ràng cho việc viết lách thì bạn sẽ dễ dàng nâng cao tay nghề hơn. Quy trình đó có thể đơn giản như bên dưới:
- Nghiên cứu
- Lên dàn ý
- Viết liền mạch
- Chỉnh sửa
- Thiết kế hình ảnh
- Xuất bản
Xây dựng quy trình viết lách là một chuyện, mỗi người lại có nhịp viết riêng cần khám phá. Có người làm việc hiệu quả vào buổi sáng, người khác lại tuôn trào ý tưởng vào ban đêm. Bạn hãy thử nghiệm và tìm ra khung thời gian lẫn nhịp điệu phù hợp nhất với bản thân để gia tăng hiệu suất và nâng cao năng lực.
4. Khởi đầu nhỏ
Khởi đầu nhỏ, thành công to, công thức này cũng đúng trong nghề viết lách. Khi bắt đầu, bạn hãy cố gắng viết những nội dung ngắn, dài từ 200 – 300 từ đều đặn mỗi ngày. Đó có thể là nhật ký biết ơn, status Facebook, cảm nhận về một người hay một vấn đề bạn gặp trong ngày.
Chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng chỉ cần sau 1 – 3 tháng, bạn sẽ thấy kỹ năng viết lách của mình đã có bước tiến mới. Mục tiêu của bài tập này không phải để biến bạn trở thành thiên tài viết lách mà là để biến kỹ năng viết trở thành thói quen. Thói quen sẽ được hình thành sau từ 21 ngày thực hiện liên tục. Tương tự như khi rèn luyện thể thao, khi đã quen với bài tập ngắn, bạn có thể nâng cấp nó lên phiên bản dài hơn, khó hơn như viết blog, ebook, kịch bản video hay thậm chí là viết sách.
5. Lên dàn ý trước khi viết
Giống như người làm thời trang có bản vẽ thiết kế, người viết cũng nên có phiên bản “thiết kế nội dung”. Và đó chính là outline – dàn ý, dàn bài chi tiết. Việc lên dàn ý cụ thể trước khi viết có thể giúp bạn nắm được cấu trúc bài viết và duy trì tính mạch lạc trong quá trình viết. Dưới đây là một số lợi ích khi làm outline trước khi viết:
- Làm dàn ý mang đến cho bạn cơ hội đào sâu hơn về chủ đề. Từ dàn ý ban đầu, thông qua quá trình nghiên cứu thông tin, bạn sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực hoặc nội dung bổ trợ mà mình cần.
- Lập dàn ý giúp khơi thông và kích thích dòng chảy sáng tạo. Bước này sẽ giúp bạn tránh tình trạng đang viết thì… bí ý tưởng – chuyện không hiếm của người làm nghề.
- Lên dàn ý giúp bạn tiết kiệm thời gian. Nghe có vẻ sai, vì tốn thêm thời gian làm dàn ý thì sao nhanh được? Nhưng thật ra giữa việc viết một mạch từ dàn ý thành bài chi tiết và vừa viết vừa research thì cách thứ hai tốn thời gian hơn nhiều. Việc làm dàn ý cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian ở bước biên tập – chỉnh sửa vì ngay từ đầu bạn đã biết bài viết cần gì, cần thêm gì và lược bỏ những gì.
- Lập dàn ý giúp bạn truyền đạt ý tưởng và suy nghĩ một cách hiệu quả, rõ ràng hơn. Một khi bạn biết rõ đích đến và con đường để đi đến đích thì quá trình di chuyển sẽ đơn giản hơn vừa chạy xe vừa dò Google Map. Dàn ý giống như chiếc bản đồ trên trang giấy vậy.
Chắc hẳn bạn đã thấy tầm quan trọng của bước lập dàn ý trước khi viết. Nhưng thực tế có nhiều người viết bỏ qua bước này và viết theo bản năng. Đôi khi viết tự do cũng phù hợp với một số người viết chuyên nghiệp. Nhưng khi viết theo order, thậm chí các nhà văn lớn vẫn phải lập dàn ý chi tiết cho quyển sách của mình, xây dựng các cây gia phả, phân tích sâu tính cách nhân vật, bản đồ quan hệ, dòng chảy sự kiện trước khi thực sự đặt bút hay gõ phím. Vì thế, để đi nhanh, đôi khi bạn phải bước thật chậm.
6. Viết liền một mạch
Bước này được áp dụng cho các bài viết ngắn hoặc vừa phải có thể hoàn thành trong một lần như social post, bài báo, bài blog và bạn đã có sẵn dàn ý. Khi mọi nguyên liệu đã sẵn sàng, bạn hãy viết liền mạch và duy trì đà viết cho đến khi hoàn thành bản thảo. Bạn đừng đột ngột dừng lại trong khi đang viết để đọc và chỉnh sửa. Hãy giữ việc chỉnh sửa, biên tập ở bước cuối cùng. Vì nếu cứ dừng lại để chỉnh sửa, bạn sẽ đánh mất nhịp viết và gây mất thời gian. Vì khi đang viết, bạn chưa có được bức tranh toàn cảnh nên nếu cứ để ý tiểu tiết thì đến cuối cùng sẽ có thể phá hỏng toàn bộ bố cục. Giống như khi nấu ăn, nêm nếm gia vị thường là bước cuối cùng chứ bạn không thể cứ năm phút lại nêm thêm một muỗng muối.
Thật ra, vừa viết vừa sửa là thói quen thường gặp của những cây viết trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Nguyên do là vì chúng ta chưa đủ tự tin hoặc quá cầu toàn. Nhưng vừa viết vừa sửa lại chỉ phản tác dụng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá cứng nhắc khi thực hiện nguyên tắc này. Hãy nghỉ tay, nghỉ mắt, thư giãn từ 5-10 phút sau mỗi 25-50 phút tập trung làm việc như phương pháp quản trị thời gian Pomodoro để đảm bảo năng suất làm việc.
7. Biên tập thẳng tay
Sau khi đã hoàn thành bảo thảo đầu, tiếp theo hãy biên tập, chỉnh sửa bằng một cái đầu thật lạnh. Thật ra giữa ba bước làm outline, viết và chỉnh sửa thì bước cuối đôi khi lại khó khăn nhất. Đó là vì người viết thường tiếc nuối câu từ đã viết. Đôi khi người viết đã làm việc trên bản thảo quá lâu nên mất đi cái nhìn khách quan. Hoặc do thiếu kinh nghiệm viết lách như yếu từ vựng, ngữ pháp hay thậm chí là chưa có giọng văn riêng nên chẳng biết phải chỉnh sửa thế nào. Dưới đây là vài cách của mình khi tự biên tập bài viết:
- Viết xong một bài, đọc lại từ hai đến ba lần, chỉnh sửa sơ bộ những điểm chưa ổn thấy ngay lúc đó.
- Xếp bài đó đi làm việc khác, khoảng vài tiếng sau quay lại. Nếu chưa đến deadline thì sáng mai quay lại là tốt nhất. Lúc này, đầu óc bạn sẽ tỉnh táo và dễ dàng phát hiện những lỗi sai lần trước bỏ qua.
- Sau khi bạn thấy ổn rồi thì nhờ sếp hoặc người thân, bạn bè đọc giúp và cho feedback. Nhưng đừng đẽo cày giữa đường, hãy có chính kiến.
Những điều bạn cần kiểm tra:
- Trau chuốt đoạn văn, câu từ, cắt từ ngữ thừa. Thế nào là thừa? Là khi từ đó nếu bỏ đi không ảnh hưởng đến nghĩa, mạch cảm xúc và nhịp điệu của câu. Giữa hai ý, ý nào ngắn hơn nhưng rõ hơn thì hay hơn. Bạn cũng đừng quên lược bỏ các hư từ như thì, là, mà… để câu văn gãy gọn hơn.
- Kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, lặp từ. Cái này cực kỳ quan trọng. Mình sợ nhất là sai chính tả, câu thiếu chủ vị, lỗi dùng tính từ, trạng từ không hợp lý và đặc biệt là tình trạng bỏ dấu câu theo cảm xúc.
- Kiểm tra lại bố cục bài, đoạn nào trước, ý nào sau, có lặp ý không. Có khi bạn cần đổi vị trí hai đoạn với nhau nếu rõ ý hơn hoặc bỏ luôn đoạn nào đó nếu thấy nó không cần thiết.
- Chỉnh sửa lại tiêu đề chính, phụ, sapo và đoạn kết. Tiêu đề – sapo – kết luận là ba phần quan trọng nhất để thu hút – khiến người ta tiếp tục đọc và gieo rắc một thông điệp nào đó. Vì thế, mình luôn cố gắng để ba phần này thể hiện rõ nhất sự chân thành của bản thân.
- Đọc thành tiếng cả bài. Bạn có thể đọc thành tiếng câu từ để điều chỉnh nhịp độ cho bài viết, lựa chọn cấu trúc câu và từ ngữ phù hợp hơn. Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần đến khi bạn hài lòng.
Chỉnh sửa bài viết là bước nói khó không khó, dễ không dễ. Nó cần ở bạn một cái tâm nóng, một cái đầu lạnh và kinh nghiệm. Dù bạn là cây viết mới hay đã dạn dày kinh nghiệm thì bản nháp đầu luôn thô sơ, đôi khi còn kém chất lượng. Đừng vội nản lòng mà hãy tiếp tục cắt gọt để nó trở thành viên kim cương toả sáng.
Máy bay chỉ có thể cất cánh trước gió ngược, kim cương chỉ được hình thành dưới áp lực. Kỹ năng viết lách cũng tương tự, muốn giỏi chỉ có cách rèn luyện, muốn nuôi dưỡng năng khiếu cũng không thể ngừng nỗ lực.
Cảm ơn bạn đã theo dõi các bài viết của mình về Kỹ năng viết, Content Marketing và Freelance Writer trên blog https://gemysix.com/. Bạn có thể đọc nhiều bài viết cùng chủ đề tại đây.
Nguồn hình ảnh: https://unsplash.com/