10 khám phá khoa học về Creative writing 1

Kỹ năng viết2 bình luận ở 10 khám phá khoa học về Creative writing 1

10 khám phá khoa học về Creative writing 1

Mục lục bài viết

Khả năng viết sáng tạo – Creative writing là gì? Đó có phải là khả năng tạo ra những thứ hoàn toàn mới? Hay đơn giản chỉ là cách khai thác những sự vật, sự việc, ý tưởng thông thường dưới góc độ khác? Nhiều người mong có thể trở nên sáng tạo hơn mà không phải vò đầu bứt tai mỗi ngày. Nhưng sáng tạo hay khả năng viết sáng tạo không phải chỉ là năng khiếu, nó là một kỹ năng có thể rèn luyện được.

Những người được sinh ra với năng khiếu viết thiên bẩm, nếu không biết cách trui rèn sẽ dần phung phí món quà trời ban. Nhưng những người không có văn khiếu vẫn có thể trở thành tác giả, người viết tuyệt vời nếu họ đầu tư đủ thời gian và công sức cho con đường mình đã chọn.

Niềm cảm hứng, sự thui chột hay cả sự sáng tạo đều có thể được giải thích bằng các kiến thức thần kinh học. Bộ não chúng ta là một cỗ máy có nguyên lý vận hành vô cùng phức tạp mà đến nay con người vẫn chưa hiểu hết được. Nhưng các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để hiện thực hoá điều ấy. Cùng khám phá những sự thật vô cùng thú vị về Creative writing – Khả năng viết sáng tạo dưới góc nhìn khoa học nhé!

1. Người viết sáng tạo không chỉ tư duy bằng não phải

Tất cả chúng ta đều biết não người được tạo thành bởi hai bán cầu. Hai bán cầu não này có các vùng riêng biệt điều khiển từng chức năng của cơ thể cũng như khả năng nhận thức. Nhiều người cho rằng một bán cầu não có ưu thế sẽ quyết định thế mạnh của chúng ta. Ví dụ như những người tư duy bằng não trái được cho là sẽ giỏi các môn khoa học đòi hỏi sự chính xác cao, trong khi người tư duy bằng não phải thường sẽ thiên về ngành sáng tạo và nghệ thuật.

Nhận định này vừa đúng vừa sai. Nhà khoa học đoạt giải Nobel Roger W.Sperry phát hiện ra rằng não trái chịu trách nhiệm cho khả năng phân tích, tư duy logic, tuyến tính. Trong khi đó, não phải lại thiên về tầm nhìn và trí tưởng tượng. Tuy nhiên, từ những người sáng tạo nhất đến người bình thường nhất đều không chỉ tư duy bằng một bán cầu não nhất định. Đó là do hai bán cầu não trái phải luôn phối hợp nhuần nhuyễn với nhau chứ không hoạt động độc lập.

2. Viết sáng tạo tương tự chơi thể thao

Nhà thần kinh học người Đức Martin Lotze phát hiện ra một sự thật thú vị đó là, cách thức bộ não của các tác giả chuyên nghiệp hoạt động trong quá trình viết tương tự như cách não của các vận động viên thể thao vận hành trong một trận thi đấu.

Nhờ vào máy chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà khoa học đã có thể hiểu hơn về những gì diễn ra trong đầu các tác giả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Họ dần xác định được phần nào trong não bộ của các nhà văn sẽ hoạt động tích cực nhất khi họ sáng tác ra một câu chuyện và viết nó xuống. Và sự khác biệt giữa nhóm người viết sáng tạo với vận động viên chuyên nghiệp là không đáng kể.

3. Người hướng nội là người viết sáng tạo giỏi hơn

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tư duy độc lập có lợi hơn cho khả năng sáng tạo của con người. Tiến sĩ Mihaly Csikszentmihalyi kết luận những người có khả năng tư duy sáng tạo đặc biệt thường là người hướng nội. Do đó, sự cô đơn và biệt lập đôi khi lại trở thành nguồn cơn của nhiều ý tưởng sáng tạo xuất chúng.

Khi ở một mình, không có bất kỳ thứ gì có thể gây nhiễu cho quá trình nhận thức, người viết có thể hệ thống hoá và đào sâu các tầng suy tưởng của mình. Nhưng ở chiều ngược lại, teamwork (làm việc nhóm) cũng mang lại giá trị riêng cho quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, bạn nên nghĩ ra ý tưởng của riêng mình trước khi thảo luận chúng với các thành viên trong đội nhóm để có thể bổ khuyết cho nhau. 

Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa với việc nếu muốn trở thành một người viết sáng tạo kiệt xuất thì bạn phải “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Chỉ cần dành 30 phút ở một không gian yên tĩnh không bị ai làm phiền là quá đủ để bạn cảm thấy thư thái và có thể nhìn sâu vào lòng mình để phát huy năng lực sáng tạo.

4. Cởi mở giúp nâng cao khả năng viết sáng tạo

Tại sao chúng ta cảm thấy được truyền cảm hứn khi thử nghiệm những điều mới mẻ? Sự khám phá, mạo hiểm có liên hệ mật thiết đến dopamine – vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Nó giúp chúng ta học hỏi và duy trì động lực phát triển.

Do đó, sự cởi mở đón nhận điều mới giúp tạo nên các con đường dẫn truyền thần kinh mới trong não. Nhờ vậy, bộ não của chúng ta trở nên linh hoạt, giàu khả năng tưởng tượng và có thể “thai nghén” ra các ý tưởng sáng tạo độc đáo. Bên cạnh đó, những trải nghiệm hay ấn tượng mới mẻ luôn là chất liệu quan trọng giúp người viết cấu thành những câu chuyện thú vị.

5. Khả năng viết sáng tạo không ổn định

Mặc dù có sự tương đồng trong quá trình tư duy giữa vận động viên chuyên nghiệp và người viết sáng tạo, nhưng sự phát triển các kỹ năng giữa họ lại không giống nhau. Khi bạn luyện tập đều đặn cho cơ bắp của mình thì chúng sẽ trở nên khoẻ mạnh và dẻo dai hơn.

Nhưng không may là năng lực sáng tạo lại không vận hành theo cách thức ổn định như vậy. Cho dù bạn là một cây viết chuyên nghiệp hay mới vào nghề, bạn vẫn đôi lúc có những ý tưởng hay câu chuyện tồi tệ. Nhiệm vụ của một người viết tử tế là phải phân biệt được chúng. Và đương nhiên, những tác giả giàu kinh nghiệm sẽ học được cách tránh những sai lầm mình đã từng mắc phải.

Nhưng kể cả như vậy thì người làm nghề sáng tạo đều đôi khi gặp phải sự bế tắc và sợ hãi. Bài học quan trọng là hãy chấp nhận sự thật này như một phần của quá trình sáng tạo và tìm cách để vượt qua nó. Có người chọn đi du lịch để gặp gỡ, trải nghiệm lấy tư liệu cho quá trình sáng tạo. Người khác đơn giản là sống chậm lại, nhìn sâu vào bên trong, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Tất cả phụ thuộc vào chính bạn!

Mời bạn đón đọc Phần 2 của bài viết này vào tuần sau nhé!

Updating: 10 khám phá thú vị về Creative writing – Khả năng viết sáng tạo dưới góc nhìn khoa học (Phần 2)

Bạn cũng có thể đọc thêm các bài viết khác của mình về Kỹ năng viết tại đây.

Nguồn: https://factslegend.org/10-creative-writing-facts-know/

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

2 thoughts on “10 khám phá khoa học về Creative writing 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top