10 khám phá khoa học về Creative writing 2

Kỹ năng viết1 bình luận ở 10 khám phá khoa học về Creative writing 2

10 khám phá khoa học về Creative writing 2

Mục lục bài viết

Khả năng viết sáng tạo – Creative writing là gì? Đó có phải là khả năng tạo ra những thứ hoàn toàn mới? Hay đơn giản chỉ là cách khai thác những sự vật, sự việc, ý tưởng thông thường dưới góc độ khác? Nhiều người mong có thể trở nên sáng tạo hơn mà không phải vò đầu bứt tai mỗi ngày. Nhưng sáng tạo hay khả năng viết sáng tạo không phải chỉ là năng khiếu, nó là một kỹ năng có thể rèn luyện được.

Cùng khám phá những sự thật vô cùng thú vị về Creative writing – Khả năng viết sáng tạo dưới góc nhìn khoa học nhé!

Đọc Phần 1 của bài viết này tại: https://gemysix.com/creative-writing-kha-nang-viet-sang-tao-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-1/

6. Writer’s Block – Bí ý tưởng

Khái niệm Writer’s block được đặt ra bởi nhà phân tâm học người Mỹ Edmund Bergler những năm 1940. Nó mô tả về việc bị tạm ngưng hoặc mất ý tưởng sáng tác trong việc viết lách. Và ngành thần kinh học có cách giải thích cho hiện tượng này. Chuyện người viết sáng tạo bỗng nhiên một ngày chỉ có thể ngồi nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng mà không thể viết chữ nào là chuyện hoàn toàn bình thường. Vì sáng tạo không giống như hít thở, bạn khó có thể duy trì nó liên tục mọi lúc mọi nơi.

Theo nghiên cứu, các hoạt động nghệ thuật khiến não bộ hoạt động phức tạp. Trong quá trình sáng tạo, chúng ta phải sử dụng liên tục và chủ động nhiều bộ phận trong các bán cầu não, khiến chúng mệt mỏi và quá tải. Thực tế, bộ não không thích phải làm việc quá nhiều. Đó là lý do mà não sử dụng các khuôn mẫu thói quen để đơn giản hoá quá trình tư duy. Bạn đừng nên trách bộ não mình, nó đơn giản chỉ không muốn tiêu hao quá nhiều năng lượng. Tuy nhiên, chính sự tiết kiệm sức lực này lại gây hại cho quá trình sáng tạo. 

Nhưng đừng lo lắng, tình trạng này không kéo dài mãi. Mỗi khi “tắc tị” ý tưởng, bạn nên dừng lại nghỉ ngơi hoặc chuyển sự chú ý của mình sang vấn đề khác trong vài giờ hay thậm chí vài ngày. Cách này sẽ giúp bộ não có thời gian thư giãn, nạp lại năng lượng và sẵn sàng sáng tạo nên các ý tưởng mới. Hãy bình tĩnh hít thở sâu, bạn vẫn có thể viết tốt hơn vào ngày mai, nghề viết không vội được đâu (trừ phi deadline đã dí đến tận mông rồi).

7. Trauma – Chấn thương tâm lý

Sau những trải nghiệm mất mát, đau buồn, bộ não sẽ làm mọi thứ nó có thể để giúp bạn tái tạo năng lượng tinh thần và giành lại quyền kiểm soát cuộc sống. Nó giúp bạn nhìn nhận các sự vật, sự việc cũ theo một cách thức mới. Và quá trình này chính là chìa khoá giúp bạn thúc đẩy năng lực sáng tạo.

Nhưng điều này không đồng nghĩa là bạn nên lao vào những trải nghiệm tồi tệ để có thể “tận hưởng” (hay gánh chịu?!) hậu quả không thể lường trước. Thay vào đó, phát hiện này đi kèm lời khuyên rằng, nếu chẳng may đời bạn xảy ra điều tồi tệ, hãy nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ khác thay vì chìm đắm trong tiêu cực. Vì bộ não có khả năng giúp bạn tìm ra cách thức tuyệt vời hơn để trải nghiệm cuộc sống sau chính chấn thương tâm lý.

8. Daydreaming – Mơ mộng “chắp cánh” sáng tạo

Một phát hiện bất ngờ rằng thả trôi tâm trí theo dòng suy tưởng không phải là việc vô nghĩa. Mơ mộng mang đến nhiều lợi ích cho việc sáng tạo. Tuy bạn không nên để “tâm hồn treo ngược cành cây” trong các sự kiện quan trọng, nhưng việc “trả tự do cho tâm trí” đôi khi lại rất có ích.

Trong lúc mơ mộng, suy nghĩ có ý thức và vô thức sẽ hoà làm một, giúp tạo nên những ý tưởng khác lạ. Những mơ mộng tích cực còn có lợi cho sức khoẻ tinh thần. Việc hướng dòng suy nghĩ về những điều thoải mái, dễ chịu cũng có thể giúp tinh thần bạn cảm thấy tốt hơn.

9. Sự sáng tạo liên quan tới IQ

Những người có chỉ số thông minh cao thường có thể tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn người có chỉ số thông minh IQ trung bình. Công thức đơn giản đó là: thông tin mới = tế bào thần kinh mới = ý tưởng mới.

Ở đây, chúng ta không đề cập đến những người chỉ lưu trữ thông tin rồi chẳng bao giờ sử dụng chúng, mà là những ai thường xuyên tham gia vào các hoạt động tư duy, nhận thức. Lúc này, sự linh hoạt và sắc bén của não bộ có thể giúp bạn phát triển các thông tin và xây dựng mạng lưới các ý tưởng. Bằng cách này, bạn sẽ có nhiều khả năng kết hợp kiến thức và kinh nghiệm để sản sinh ra các ý tưởng sáng tạo.

10. Sự sáng tạo có thể trui rèn

Kỹ năng sáng tạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: IQ, trải nghiệm và ngay cả sự cô đơn có nhiều tác động tích cực lên khả năng sáng tạo. Trong khi đó, những thói quen xấu và stress có thể giết chết sự sáng tạo.

Bạn hoàn toàn có thể rèn luyện và phát triển năng lực sáng tạo. Điều này sẽ giúp bạn nhìn đời theo một góc độ khác và có thể mở rộng tầm nhìn. Nếu muốn trỏ thành một người viết tốt hơn, sáng tạo hơn, bạn cần luyện tập mỗi ngày. Viết sáng tạo cũng tương tự như một môn thể thao chuyên nghiệp. Để có thể trở nên “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”, các vận động viên sẽ luyện tập đều đặn các khối cơ của mình. Và để có thể viết tốt hơn, bạn nên luyện tập kỹ năng viết mỗi ngày. 

Tips: 6 cách để thúc đẩy khả năng viết sáng tạo

Tip 1: Hãy đọc sách

Ý tưởng là sự kết hợp mới của các nhân tố cũ. Ngay cả những tác giả xuất chúng ban đầu cũng học hỏi từ người đi trước. Đây không phải là bắt chước hay đạo văn. Việc đọc sách sẽ giúp bạn gia tăng vốn từ và học được cách thể hiện suy nghĩ, ý tưởng tốt hơn.

Tip 2: Hãy viết mỗi ngày

Có công mài sắt có ngày nên kim. Việc rèn luyện nghiêm túc mỗi ngày sẽ giúp bạn đạt được thành công, kể cả trong nghề viết sáng tạo. Bạn không nhất thiết phải viết cả một truyện ngắn mỗi ngày (nhưng nếu được thì tốt). Bạn chỉ cần thường xuyên ghi chú lại các ý tưởng, suy nghĩ, cảm nhận của mình, viết lại những câu nói truyền cảm hứng hay đơn giản là ghi chép lại một ngày của bản thân.

Tip 3: Hãy học ngôn ngữ mới

Việc học một ngôn ngữ mới giúp ích rất nhiều cho não bộ. Bạn sẽ trở nên linh hoạt và có thể nâng cao khả năng nhận thức. Thật ra, không có bằng chứng trực tiếp chứng minh việc học ngoại ngữ có thể giúp chúng ta trở nên sáng tạo hơn. Tuy nhiên, hoạt động này có thể giúp thúc đẩy khả năng đa nhiệm của não bộ, và điều này thì lại khá tương đồng với năng lực sáng tạo.

Tip 4: Hãy viết nhật ký

Đây là một bài tập cần thiết nếu bạn muốn nâng khả năng viết sáng tạo lên một tầm cao mới. Thứ nhất, việc viết nhật ký sẽ giúp bạn duy trì nhịp viết đều đặn. Thứ hai, việc viết ra những suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình sẽ có tác động tích cực đến sức khoẻ tâm lý. Và cuối cùng, trong quá trình thể hiện cảm nhận cá nhân dưới dạng văn bản, bạn sẽ học được cách để miêu tả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật trong câu chuyện tương mai mình sẽ kể.

Tip 5: Hãy suy nghĩ khác đi

Sự sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc nhìn nhận các khía cạnh và sắc thái khác biệt trong một sự việc. Thế giới trong mắt một chú cá heo sẽ ra sao? Nếu điện thoại là một con người, nó sẽ khuyên bạn điều gì? Hãy thử xoay chuyển giữa nhiều góc nhìn khác nhau. Bạn cũng có thể chọn lấy một nhân vật văn học kinh điển và viết lại câu chuyện của nhân vật đó dưới góc nhìn của các tuyến nhân vật phụ. Liệu Chúa tể Voldemort có sợ hãi và hối hận trước những người mình từng giết hại? Con rắn nghĩ vì về hành động của Hoàng tử bé? Hãy đặt những câu hỏi khác biệt để tìm ra câu trả lời sáng tạo cho riêng mình.

Tip 6: Hãy xây dựng phong cách cá nhân

Nếu muốn trở nên sáng tạo hơn, bạn hãy tránh xa những từ ngữ sáo rỗng và xây dựng phong cách viết cho riêng mình. Bạn có thể chọn ra những từ ngữ, câu nói hay lối ví von vốn đã quen thuộc với mọi người. Sau đó, hãy viết lại những câu này theo cách thức của bạn. Bài tập này sẽ giúp bạn tránh xa sự sáo mòn trong diễn đạt và từng bước xây dựng phong cách cá nhân.

Tạm kết

Sự sáng tạo không chỉ là một món quà trời ban, nó có thể được rèn luyện như nhiều kỹ năng quan trọng khác. Việc mơ mộng, những trải nghiệm mới và thậm chí là việc học một ngôn ngữ mới có thể giúp rèn luyện và “chắp cánh” cho khả năng sáng tạo. Nhưng với điều kiện tiên quyết là bạn cần trui rèn khả năng viết sáng tạo của mình thường xuyên để đạt được kết quả hằng khao khát. 

“Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới của sự sáng tạo, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận.” Và đó là mục đích của bạn và mình trên hành trình này. Chúc chúng ta thành công!

Bạn có thể đọc các bài viết khác của mình về chủ đề Kỹ năng viết tại đây

Nguồn: https://factslegend.org/10-creative-writing-facts-know/

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

One thought on “10 khám phá khoa học về Creative writing 2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top