Nghề Content Writer & 8 bài học sau 3 năm

Content Marketing Kỹ năng viết1 bình luận ở Nghề Content Writer & 8 bài học sau 3 năm

Nghề Content Writer & 8 bài học sau 3 năm

Mục lục bài viết

Sau 3 năm làm nghề với rất nhiều cung bậc cảm xúc, mình muốn tổng hợp lại một chút vài suy nghĩ thật lòng, những điều mình học được về nghề Content Writer tuy nên thơ nhưng cũng lắm đau thương này. Hy vọng những chia sẻ dưới đây có thể phần nào tìm được sự đồng cảm từ bạn – một người đã hoặc đang có ý địnvh theo nghiệp viết.

1. Viết đúng trước rồi viết hay sau

Câu này là do người sếp đầu tiên nói với mình. Lúc đó ảnh đã dùng chính những bài viết mình gửi (kiểu như 1 chiếc Portfolio sinh viên rất ngô nghê) để chỉ ra lỗi sai. Dù về sau mình và người sếp này không có cùng định hướng nhưng mình mãi ghi nhớ lời khuyên đầu tiên đó. Vì nó vẫn đúng, đến tận bây giờ.

Tuy nghề Content Writer luôn được đánh giá là thiên về tính cá nhân, phụ thuộc nhiều vào nhân sinh quan, thế giới quan và phong cách của mỗi người. Nhưng những kiến thức cơ bản của bất cứ ngành nào cũng cần được ghi nhớ. Có thể điều này không đúng trong mọi trường hợp. Nhưng nói gì thì nói, dù có thể linh hoạt nhưng những điều cơ bản vẫn luôn cần thiết. Mong rằng một nền tảng vững chắc có thể giúp bạn phát triển hơn.

  • Bạn không thể viết sai chính tả, ngữ pháp, bỏ dấu câu bậy bạ, lên xuống dòng lộn xộn, viết thường viết hoa tùy hứng mà người đọc vẫn thích.
  • Bạn không thể trình bày một cuốn sách, dàn trang một quyển tạp chí hay gửi một bài viết cho báo mà không canh lề, giãn dòng, viết in hoa, in nghiêng, tô đậm những gì cần thiết theo quy định.
  • Bạn không thể viết một bài PR báo chí chính thống 100 từ hay một post quảng cáo Facebook 1000 từ.

2. Bạn không thể viết nhiều hơn những gì mình đã sống

Đây là điều mình rút ra từ số lượt like – share – comment và cảm xúc cá nhân dành cho 2 loại bài:

  1. Bài mình được đặt hàng để viết, dịch mặc dù kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực đó đôi khi là con số 0 tròn trĩnh.
  2. Những bài viết, chủ đề được sinh ra từ trải nghiệm, cảm xúc, suy nghĩ của chính mình.

Mình tin độc giả luôn là người tỉnh táo nhất. Người ta sẽ nhận ra ngay bạn đang nói thật hay xạo, bạn đang cố bán cho họ một sản phẩm gì đó hay chân thành chia sẻ một giải pháp hiệu quả. Gắng gượng viết những điều mình không nghĩ hay tệ hơn là những điều mình cho rằng sai là con đường ngắn nhất dẫn đến… bỏ nghề. Cái gì mình đã không tin thì khó thuyết phục người ta lắm. Chúng ta không thể viết nhiều hơn những gì mình đã sống được.

“Sống” ở đây không phải chỉ là việc “bạn đã trải qua, có kinh nghiệm thực tế”. Không, vì có nhiều kiến thức vẫn có thể học được từ sách vở, phim ảnh, chuyện kể. Nhưng “sống” ở đây với mình là sau khi bạn đã tìm hiểu kỹ và có thể phần nào đó chấp nhận một vấn đề. Mình nói phần nào vì trên đời này chẳng ai có thể 100% chấp nhận quan điểm trái mình cả. Nhưng nếu bạn đã thấy sản phẩm, thông điệp sai, trải nghiệm cho bạn câu trả lời khác xa cái người ta bảo bạn phải nghĩ, nói và viết, thì sao? Nhưng vấn đề của nghề Content Writer là rất rất rất nhiều khi, chúng ta phải làm vì cơm áo gạo tiền chứ không thể mãi sống bằng niềm tin được. Vậy phải làm sao để cân bằng?

Cân bằng thì chắc chắn là không được, bạn chỉ có thể nhượng bộ cuộc đời bằng cách sống nhiều hơn. Hãy đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều, trò chuyện, gặp gỡ nhiều, tranh luận nhiều, trải nghiệm nhiều, mà thật ra ăn nhiều cũng tốt. Vì chỉ có sống nhiều hơn thì bạn mới có nhiều kinh nghiệm hơn, đầu óc mở hơn, góc nhìn đa chiều hơn. Chỉ có như vậy bạn mới tìm được giao điểm giữa lý tưởng của bản thân với những sự thật đôi khi chưa đẹp của cuộc đời. Mình đã đang cố gắng hơn nữa để làm được những điều mình vừa nói.

Nhưng tất cả nhượng bộ đều cần có một giới hạn, dù mong manh đến đâu. Nếu muốn biết mình có đang đi đúng đường không, đơn giản lắm. Hãy tự hỏi bản thân có muốn đọc lại những gì đã viết không? Nếu câu trả lời không phải là có thì bạn có câu trả lời rồi đó.

3. Khi sai chính tả, mọi thứ đều bớt quan trọng

Cái này thì chắc ai cũng biết rồi, nên thôi mình cũng không nói gì nhiều, chỉ liệt kê vô cho đủ list thôi. Mình sai nhiều, nên càng già lại càng sợ sai chính tả bị các em nhỏ cười vào mặt. Ai từng nói “viết sai có một chữ mà làm thấy ghê, lỗi đánh máy thôi” thì tụi mình nhìn lại rồi cùng rèn luyện thêm nhé.

4. Hãy dùng câu ngắn và từ ngữ đơn giản

Bạn có để ý là độ dài ngắn cũng chính là thứ tạo nên nhịp điệu của một đoạn, một bài và một phong cách viết không? Câu phức dài sẽ có nhịp chậm như một bản ballad nhẹ nhàng, tuy trông có vẻ sâu sắc nhưng thật ra đôi khi hơi khó hiểu và nhàm chán. Câu đơn ngắn thì đương nhiên là đơn giản, nhanh nhẹn và dễ chấp nhận như một bản R&B vậy.

Một lý do nữa là câu đơn ngắn thì nó sẽ… dễ viết hơn nhiều. Cái gì nói dài, nói dai là chắc chắn một hồi sẽ thành nói dở, nói nhầm, lẫn, lộn xộn. Thế nên viết câu ngắn ngắn thôi. Thật ra thì một bài viết dài cũng đã đủ ngán rồi, đừng viết thêm những câu dài, hãy chia nhỏ nó ra. Không ai thích đọc cái gì quá dài dòng.

Thật ra có thứ còn đáng sợ hơn những câu phức dài ngoằng. Đó chính là cách dùng từ xa xỉ, cao siêu, vượt ra mọi hiểu biết của đại chúng. Bạn còn biết đến nó với cái tên “mỹ từ” (những từ ngữ lấp lánh, kiêu sa nhưng về ý nghĩa thì không nhiều, chỉ bàng bạc một điều gì đó nhưng nghĩ hoài vẫn không hiểu là nghĩa gì).

Nếu bạn có theo dõi kỳ thi đại học năm 2019 thì chắc cũng biết về những tranh luận xoay quanh đề bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường sử dụng quá nhiều mỹ từ, không rõ ý nghĩa gây khó khăn cho học sinh. Và thật ra thì mình đồng ý với những bình luận phản đối. Mình chọn cách viết chân thực, đơn giản nên cũng thích đọc những từ ngữ giản đơn. Vì mình tin, những gì chân thành nhất sẽ được trái tim độc giả đón nhận.

Như nhà báo Ngọc Trân viết trong cuốn Thuật viết lách từ A đến Z: “Trước khi viết cho hay, cần viết cho đáng tin và dễ hiểu. Để dễ hiểu cần viết đơn giản, trực tiếp và súc tích. Cũng cần dùng từ giản dị và tránh lặp từ. Không chỉ viết câu đúng và đơn giản, mà còn nên viết câu ngắn để độc giả hiểu nhanh. Câu ngắn thôi vẫn chưa đủ: bài cũng cần ngắn. Độc giả ít khi thích đọc bài dài.”

5. Bố cục, bố cục và bố cục

Khi viết, bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Bạn sẽ viết một mạch từ đầu đến cuối hay sẽ viết dàn ý trước rồi hoàn thiện nội dung sau? Dù là viết như thế nào đi nữa, điều bạn cần quan tâm là bố cục của bài viết. Bố cục được định nghĩa là sự tổ chức, sắp xếp một vấn đề gì đó và cụ thể trong việc viết lách chính là sắp xếp thông tin, ý tưởng, đoạn – câu – từ. Thật ra bất cứ nghệ thuật nào cũng cần một bố cục rõ ràng chứ không chỉ là nghề Content Writer.

Một bố cục rõ ràng, mạch lạc không những giúp người đọc dễ dàng thấu hiểu, cảm nhận tác phẩm của bạn mà còn giúp bạn dễ viết, dễ dẫn dắt cảm xúc của chính mình và người đọc hơn rất nhiều. Thông thường, để cho ra được một bài viết hoàn chỉnh với bố cục rõ ràng, mình thường làm theo các bước dưới đây:

  1. Xác định đề tài, loại hình bài viết (post facebook, bài PR, blog…). Mỗi chủ đề, loại bài, phong cách viết có bố cục và yêu cầu riêng.
  2. Gạch đầu dòng hết những ý mà mình biết hoặc muốn biết về đề tài này rồi sắp xếp lại theo một cấu trúc mà mình thấy hài lòng nhất. Lúc này mình vẫn chưa research gì hết, cứ liệt kê theo kiến thức và mong muốn của bản thân trước đã.
  3. Research, research và research. Trải nghiệm, trải nghiệm và trải nghiệm (điều quan trọng phải nói 3 lần). Bước này thường là bước tốn nhiều thời gian nhất. Dễ thì vài tiếng, khó thì có khi vài ngày hoặc bỏ dở vì không đủ thông tin để viết. Sau bước này, mình sẽ sắp xếp lại một lần nữa cấu trúc bài trước khi bắt tay vào viết.
  4. Viết nháp. Từ những gì đã tìm hiểu được, mình viết một bài ngô nghê version 1.
  5. Viết hoàn chỉnh.
  6. Thousand-check.
  7. Tìm kiếm, chỉnh sửa hình ảnh.

Đó cũng là cách mà mình giữ cho bài viết luôn có một bố cục dễ hiểu, rõ ràng nhất cho bản thân và người khác. Tuy sau nhiều vòng duyệt bài (từ các sếp đến đối tác, khách hàng) bố cục bài có khi cũng bị thay đổi. Nhưng ít ra thì nếu may mắn cũng sẽ không đổi nhiều hoặc nghĩ một cách tích cực thì từ bố cục gốc, nếu việc thay đổi không hợp lý thì mình cũng còn có lý do để phản bác hoặc chỉnh sửa về sau.

6. Thousand-check

Mình thuộc cung Xử Nữ nên chuyện kỹ tính đến ám ảnh là bình thường. Người ta khuyên phải double-check sau khi viết xong. Còn mình sẽ khuyên bạn thousand-check luôn. Vì từ kinh nghiệm của bản thân, rất nhiều bài viết dù cẩn thận bao nhiêu thì bằng một năng lực siêu nhiên nào đó, vẫn có những lỗi sai xuất hiện. Dưới đây là vài cách của mình để hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi sai:

  • Viết xong một bài, đọc lại 2 lần, chỉnh sửa sơ bộ những thứ thấy ngay lúc đó.
  • Xếp bài đó đi làm việc khác, khoảng vài tiếng sau quay lại. Thật ra nếu chưa đến deadline thì sáng mai quay lại là tốt nhất. Lúc này đầu óc bạn sẽ tỉnh táo và dễ dàng phát hiện ra những lỗi sai mà lần trước bỏ qua.
  • Sau khi bản thân bạn thấy ổn rồi thì nhờ sếp hoặc 1 người bạn đọc lại và cho feedback. Nhưng đừng có ai nói gì cũng nghe nha, phải đấu tranh và bán lại ý mình nếu cần, chỉnh sửa khi thấy hợp lý.

Những điều bạn cần kiểm tra:

  • Kiểm tra lại bố cục bài, đoạn nào trước, ý nào sau. Thường ngay chỗ này có khi mình đổi vị trí 2 đoạn với nhau nếu rõ ý hơn hoặc bỏ luôn đoạn nào đó nếu thấy nó không dẫn người đọc đi đến đâu cả.
  • Trau chuốt đoạn văn, câu từ, cắt từ ngữ thừa. Thế nào là thừa? Là khi từ đó nếu bỏ đi không ảnh hưởng đến nghĩa, mạch cảm xúc và nhịp điệu của câu. Người ta thường bảo giữa 2 ý, ý nào ngắn hơn nhưng rõ hơn thì hay hơn mà.
  • Kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, lặp từ. Cái này cực kỳ quan trọng. Mình sợ nhất là sai chính tả, câu thiếu chủ vị, lỗi dùng tính từ, trạng từ không hợp lý và đặc biệt là tình trạng bỏ dấu câu theo cảm xúc. Mình sai nhiều lắm rồi!
  • Chỉnh sửa lại tiêu đề chính, phụ, sapo và đoạn kết. Với mình, tiêu đề – sapo – kết luận là 3 phần quan trọng nhất để thu hút – khiến người ta tiếp tục đọc và gieo rắc một thông điệp nào đó vào đầu óc và trái tim họ. Vì thế, mình luôn cố gắng để 3 phần này thể hiện rõ nhất sự chân thành của bản thân.
  • Tô đậm những ý chính, ý hay. Bước này là để dễ tìm hình hoặc làm quotes khi các bạn designers lên thiết kế cho bài. Đây là phần khá quan trọng đó vì hình ảnh và từ ngữ là “đôi tình nhân” không thể tách rời. Chẳng ai đọc nổi một bài viết khi không có hình ảnh tạo điểm nhấn.

7. Lằn ranh giữa học hỏi và copy rất mong manh

Haizz đây sẽ là một chủ đề nhạy cảm đây. Chắc không ít lần bạn đọc được những đoạn tuyển dụng Content Writer chuẩn SEO 20 – 30k một bài 1000 từ trên mạng với yêu cầu “unique 100%” hay “không copy xào nấu”. Nhưng cũng có lần, mình đọc được trong cuốn Một nửa của 13 là 8 của James Foster, định nghĩa của “sáng tạo chính là sự kết hợp mới của các nhân tố cũ”. Vậy ranh giới của lấy cảm hứng, tổng hợp thông tin, học hỏi và copy nằm ở đâu?

Theo mình, copy là việc bạn bê y xì câu chữ của người khác vào bài mà không dẫn nguồn, nói rằng ý kiến của người ta là của mình hoặc xào nấu lại một hay nhiều bài viết góp nhặt được rồi thay đổi từ ngữ nhằm “trang điểm” cho bài viết đó “nước sơn” của bạn nhưng “chất gỗ” vẫn là của người khác.

Thật ra ranh giới của việc này quả thật rất mong manh. Nhưng mình tin, chính bản thân bạn biết rằng bài viết bạn vừa hoàn thành đấy, tác giả của nó thật sự là ai mà. Nhưng nếu bạn không tự biết, chắc chắn sẽ có rất nhiều người phát hiện ra điều đó giúp bạn. Nghề sáng tạo là vậy, sáng sáng tạo ra một thứ vì đó không phải của mình thì tối tối sẽ có người giúp bạn tạo nghiệp thôi.

Trong nghề Content Writer lẫn các lĩnh vực có liên quan, đã có rất nhiều vụ việc đạo nhái ý tưởng, ăn cắp trắng trợn bài viết của người khác: một cô bé đạo bài luận của đàn anh để được tuyển thẳng vào Đại Học, một hot blogger điển trai thích treo status cực deep để thả thính nhưng thường quên dẫn nguồn, một nhạc sĩ lấy “thơ trên mạng” để viết lời bài hát nhưng chưa kịp tra tên tác giả để xin phép…

Cố gắng sống nhiều hơn và suy nghĩ về từng ngày mình đã sống để câu chữ bạn đọc được, bài học bạn học được, kinh nghiệm bạn có được sẽ phản chiếu lên bài viết qua tấm gương tâm hồn của chính bạn. Thật ra điều số 7 này mình cũng cảm thấy bản thân chưa đủ khả năng để phân biệt một cách rõ ràng. Nhưng mình thực sự nhận thức được nó là vấn đề quan trọng cần được ghi nhớ và cố gắng thực hiện mỗi ngày. Chính kinh nghiệm, lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân sẽ cho bạn câu trả lời chính xác nhất.

8. Hãy hiểu rõ “nhịp viết” của bản thân

Bạn từng nghe khái niệm “nhịp sinh học của cơ thể” chưa? Đó chính là “người hướng dẫn” các chức năng cơ thể hoạt động hợp lí và khoa học kể cả ngày và đêm. Và mình tin tương tự như vậy, mỗi người cũng có cái gọi là “nhịp viết” cá nhân. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng, một phong cách riêng và cách thức để viết khác nhau.

Ví dụ như có người chỉ hợp với style viết cá tính, mạnh mẽ, kêu viết ngọt ngào, nữ tính đi thì sẽ hơi khó (khó chứ không phải không viết được nhé). Có người thể loại nào cũng cân được hết. Có người là “cú đêm sáng tạo” nhưng có kẻ lại chỉ viết ngon lành vào lúc bình minh. Có người lập luận, phân tích cực kỳ chặt chẽ theo kiểu diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp nhưng cũng có kẻ chỉ gạch đầu dòng theo kiểu “listing” rồi từ từ giải thích thì mới viết tốt được. Có người tả cảnh giỏi, nhưng có kẻ thì kể chuyện thần sầu… Hãy tin vào nhịp viết của bản thân và cố gắng phát huy nó tối đa.

Và trên đây là một vài ghi chú nhỏ của mình sau 3 năm sống bằng nghề Content Writer. Mình tin là danh sách này sẽ còn dài hơn nữa trong thời gian tới vì mình chưa có ý định bỏ nghề đâu. Hy vọng những chia sẻ tuy non trẻ nhưng rất chân thành trên đây của mình phần nào đó sẽ giúp bạn tiếp tục cầm chặt viết, gõ phím nhanh tay và mỉm cười với từng dòng chữ của mình, mỗi ngày.

gemysix

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

One thought on “Nghề Content Writer & 8 bài học sau 3 năm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top