6 quan niệm sai lầm về nghề Content Writer

Content MarketingLeave a Comment on 6 quan niệm sai lầm về nghề Content Writer

6 quan niệm sai lầm về nghề Content Writer

Mục lục bài viết

Song hành cùng sự phát triển của thế giới digtal thì nghề Content Writer – người viết nội dung cũng dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít hiểu lầm về công việc của Content Writer từ chính người làm nghề, nhà tuyển dụng lẫn người ngoài ngành. Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến sáu quan niệm sai lầm thường gặp về nghề Content Writer để mọi người có cái nhìn phù hợp hơn về công việc này.

1. Content Writer có thể viết 5 bài 2000 từ một ngày

Thật ra khi người viết tập trung cao có thể viết 10.000 từ một ngày. Đặc biệt, trong thời đại mà mỗi ngày có hàng tỷ thông tin, sự kiện thì thời gian sản xuất nội dung cũng cần nhanh hơn. Làm nội dung nhanh không khó, nhưng muốn viết nội dung chất lượng cao thì người làm nghề viết vẫn cần một vài ngày cho toàn bộ quá trình. Đó là thời gian dành cho việc lên ý tưởng, chọn chủ đề, nghiên cứu thông tin, đọc tài liệu, làm dàn ý, viết bản nháp, chỉnh sửa và xuất bản trên các nền tảng.

Trong nghề viết thì chất lượng bài quan trọng hơn số lượng bài hay số từ trong một bài. Một bài social post 150 từ mà khơi gợi được cảm xúc của người đọc thì tốt hơn bài blog 2000 từ nhưng nội dung rời rạc. Viết một bài chất lượng mỗi tuần thì tốt hơn viết một bài vô thưởng vô phạt mỗi ngày. Cho dù bạn chỉ viết status đăng facebook hay một bài blog cá nhân thì hãy cố gắng tìm cách gia tăng giá trị cho độc giả. Đó mới là giá trị thực sự của một Content Writer.

Lần sau khi đăng bất kỳ bài viết nào, hãy tự hỏi bản thân liệu bạn có muốn đọc lại nó không? Nó có đủ chất lượng để bỏ vào portfolio của bạn không? Bạn tự cho bài viết của mình bao nhiêu điểm? Đó có thể không phải là bài viết hay nhất, nhưng chất lượng của nó không được nằm dưới mức tiêu chuẩn của bạn.

2. Content hay thì tạo ngay conversion

Thế giới Digital Marketing đan xen phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Đôi khi một bài viết chỉ ở mức trung bình nhưng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật lại mang lại chuyển đổi tốt hơn các bài viết cao siêu, bay bổng. Bên cạnh đó, thuật toán của từng ứng dụng, công cụ, thời gian đăng bài, các sự kiện trong nước và quốc tế đang diễn ra cũng có thể gây ảnh hưởng đến conversion rate của một nội dung nào đó.

Vì thế, bạn hãy kiên nhẫn khi có một nội dung vốn được đánh giá tốt nhưng vẫn chưa mang lại conversion rate cao. Đôi khi, một bài viết hay trang web cần thời gian để được các công cụ đánh giá rồi mới có thể tạo ra ảnh hưởng. Ví dụ đơn giản nhất là một bài blog WordPress cần thời gian để Google index thì mới có view (nếu nó là một bài viết chất lượng, có keyword tốt và tiêu đề thu hút). Bạn có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi bằng cách chia sẻ bài viết trên các kênh phù hợp, gửi nó cho bạn bè, đồng nghiệp hay tương tác với các đối tượng liên quan…

3. Content Writer trên tinh thông AI, dưới tường tận PTS

Chắc không ít lần bạn đọc JD (bảng mô tả công việc) tuyển Content Writer với yêu cầu thành thạo các công cụ thiết kế như PTS hay AI. Vậy Content Writer có thể thiết kế không? Có chứ, chúng tôi có kiến thức cơ bản về thiết kế để làm việc với Designer, Art Director hoặc thậm chí “thượng thừa” Canva. Nhưng chúng tôi không phải Designer!

Chúng tôi hiểu về thiết kế để sáng tạo ra cấu trúc nội dung hiệu quả, để phối hợp với Team hoặc thậm chí làm luôn thiết kế trong tình huống cấp bách (Designer nghỉ ốm chẳng hạn). Nhưng chúng tôi là người chuyên về con chữ, ý tưởng, chiến lược nội dung chứ không trên tinh thông AI, dưới tường tận PTS. Hãy để công việc thiết kế cho người chuyên về hình ảnh và bạn sẽ có sản phẩm tốt nội dung, đẹp hình ảnh.

Với các công ty vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh phí nhân sự thì việc yêu cầu Content Writer kiêm nhiệm vị trí thiết kế không hiếm. Nhưng người làm Content Writer cần cân nhắc cẩn thận yêu cầu công việc trước khi nhận offer. Nếu thích hình ảnh lẫn nội dung, bạn hoàn toàn có thể làm song song hai vị trí, chẳng ai cấm cả, miễn bạn thích và có đủ năng lực.

4. Content Writer có thể viết tốt mọi chủ

Thật ra quan điểm này không sai, nhưng không hoàn toàn chính xác. Đúng là đứng trước cơm áo gạo tiền, Content Writer khó có thể lựa chọn viết gì, bỏ gì. Nhưng cũng có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, người làm Content Writer cũng nên viết chuyên về một vài chủ đề thế mạnh nhất định. Cách này sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian và viết sâu hơn. Thực tế, khách hàng luôn muốn tìm một chuyên gia nội dung thông thạo lĩnh vực của họ để hợp tác hiệu quả.

Vì thế, nếu bạn chuyên viết sâu về một chủ đề hay dạng nội dung nhất định thì sẽ có nhiều “đất dụng võ” hơn. Hãy chọn một chủ đề yêu thích hoặc thế mạnh của bạn và viết thật sâu về nó. Ví dụ như blog cá nhân này của mình có chủ đề chính là về nghề viết (kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writer).

5. Content Writer có khả năng ngữ pháp hoàn hảo

Đúng là để làm nghề Content Writer thì bước căn bản là rèn luyện kỹ năng viết đúng chính tả, ngữ pháp. Có thể người viết ít khi gặp vấn đề về ngữ pháp hay từ vựng, nhưng ít sai không đồng nghĩa là không sai. Không ai hoàn hảo cả! Đó là lý do mà bên cạnh các tác giả, nhà văn luôn có biên tập viên. Ngay cả những nhà văn lớn vẫn đôi khi mắc lỗi. Vì người viết đã làm việc trên tác phẩm của mình trong một thời gian dài nên thường mất đi cái nhìn khách quan. Và dù có cẩn thận đến nhường nào thì sai lầm vẫn có thể xảy ra.

Đó là lý do mà sau khi viết, bạn nên tự biên tập bài viết của mình, làm việc với biên tập viên nhờ cấp trên, bạn bè, người thân kiểm tra. Bước này có thể tốn thời gian, nhưng nó xứng đáng!

6. Bất kỳ ai cũng có thể làm nghề Content Writer

Không ít người nghĩ viết lách là chuyện dễ như ăn bột, chỉ cần biết tiếng là viết được. Nhiều bài viết (đặc biệt là để bán khoá học viết content hay tuyển người viết bài SEO giá 20-30k) cũng thường hô hào như vậy. Nhưng có đúng thế không?

Thật ra Content Writer hay nhà báo, nhà văn đều là nghề nghiệp. Nó có thể trở thành sự nghiệp, công việc kinh doanh nghiêm túc và giúp bạn nâng cao năng lực. Có nhiều người viết content, có người thành công, có người không. Vì không chỉ Content Writer, bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi bạn phải bỏ rất nhiều thời gian lẫn công sức để nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lẫn rèn luyện kỷ luật.

Đặc biệt, thế giới kỹ thuật số ngày càng phát triển, Content Writer từ đó cũng cần những yếu tố chuyên sâu hơn như sự thông hiểu các nền tảng, định dạng, đối tượng, thông số kỹ thuật… chứ không đơn giản là ngồi vào bàn là con chữ tuôn trào. Nghề Content Writer không đơn giản như vẻ ngoài của nó, có khi để hiểu rõ về một chủ đề hay đối tượng, mình còn phải đi thực tế chứ không chỉ ngồi yên trong phòng máy lạnh. Và vì vậy, nghề viết không dành cho tất cả mọi người, tương tự như nghề bác sĩ phẫu thuật hay giáo viên mầm non không phải ai cũng làm được.

Hy vọng bài viết này của mình đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về nghề Content Writer lẫn thấu suốt những quan điểm sai lầm về nghề nghiệp này. Nếu đọc đến đây mà bạn vẫn muốn theo đuổi nghề Content Writer thì hãy bắt đầu viết ngay hôm nay, ngay bây giờ, kiên trì mỗi ngày!

Cảm ơn bạn đã đến với Blog https://gemysix.com/. Bạn có thể đọc các bài học kinh nghiệm quan trọng mình rút ra được khi theo đuổi nghề Content Writer trong bài viết Nghề Content Writer – 8 Bài Học Sau 3 Năm.

Nguồn hình ảnh: https://unsplash.com/

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top