8 thói quen xấu ngăn bạn thành người viết giỏi

Kỹ năng viếtLeave a Comment on 8 thói quen xấu ngăn bạn thành người viết giỏi

8 thói quen xấu ngăn bạn thành người viết giỏi

Mục lục bài viết

Người làm nghề viết có nhiều thói quen xấu khiến bản thân khó phát huy tối đa năng lực để trở thành người viết giỏi. Chúng ta thu nạp những thói quen này từ trường học, gia đình, công ty, truyền thông và cả tác giả mình yêu thích. Vậy đâu là những thói quen xấu thường gặp của người viết và cách vượt qua chúng?

1. Chờ có hứng mới viết

Người làm nghề viết hay dùng lý do “không có hứng” để nguỵ biện. Nhưng nếu cứ chờ có hứng thì sẽ chẳng có công việc nào được hoàn thành. Vì không hề có cái gọi là điều kiện hoàn hảo, cuộc sống sẽ luôn có bất ngờ khó kiểm soát. Hãy chấp nhận và đặt ra kế hoạch cho việc viết lách!

Thói quen viết lách đều đặn như một cái công tắc giúp bạn chủ động chuyển trạng thái trở nên chuyên nghiệp, sáng tạo chứ không phụ thuộc vào tâm trạng hay thời tiết. Đầu tiên, hãy xác định thời điểm và các yếu tố giúp tăng năng suất. Sau đó, hãy chủ động đưa những yếu tố đó vào thói quen làm việc hằng ngày.

Một ví dụ tuyệt vời về kỷ luật viết lách có thể kể đến nhà văn Nhật Haruki Murakami. Như một “thiền sư” trong giới văn chương, Murakami thành công nhờ tài năng và sự khổ luyện. Khi viết tiểu thuyết, ông thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc liên tục từ 5 – 6 giờ. Buổi chiều, ông chạy bộ khoảng 10 km, bơi 1500m hoặc cả hai. Sau đó ông đọc một chút và nghe nhạc. Murakami đi ngủ vào lúc 21 giờ. Ông giữ thói quen này mỗi ngày mà không cần thay đổi. Sự lặp lại là một điều vô cùng quan trọng, như thuật thôi miên để trở thành một người viết giỏi.

2. Thích viết nhưng ít đọc

Nghe có vẻ sai nhưng không ít người làm nghề viết ngại đọc. Nó giống như một tuyển thủ bóng rổ chưa từng đi xem một trận đấu nào. Mọi người thường lấy lý do bận rộn nên không thể đọc sách. Ai cũng bận cả, nhưng vẫn có người đọc mỗi tuần một hay thậm chí vài cuốn sách.

Đọc sách là yêu cầu quan trọng để trở thành người viết giỏi. Bạn có một ý tưởng, cốt truyện tốt nhưng nếu không đọc, bạn sẽ khó biết đâu là cách thức phù hợp để truyền tải thông điệp. Từ vựng và ngữ pháp có thể học qua trường lớp, nhưng phong cách và giọng điệu lại chỉ có thể học qua trải nghiệm từ thực viết và thực đọc.

Việc đọc đều đặn có thể giúp bạn khơi gợi nhiều ý tưởng hay ho, mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp, học được nhiều cấu trúc và tông giọng. Đọc tác phẩm của người khác là cách giúp bạn rèn luyện đôi tai với nhịp điệu đa dạng của câu từ. Việc đọc sẽ giúp bạn trở thành tác giả mình mong muốn bằng cách chọn lọc ra những gì mình thích và không thích trong tác phẩm của họ. Tương tự như thói quen viết lách, bạn hãy chủ động tạo ra không gian và thời gian thích hợp cho việc đọc.

3. Không hiểu rõ độc giả

Một thói quen của khá nhiều người viết là vội vã viết ngay mà không xác định đối tượng. Với cùng một nội dung, thông điệp, khi viết cho đối tượng phụ nữ đã lập gia đình và sinh viên sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Bạn phải sử dụng từ ngữ, giọng điệu, cấu trúc khác nhau để hướng tới giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm.

Vì thế, trước khi viết, bạn cần vẽ ra càng chi tiết càng tốt bức tranh về độc giả của mình: họ là ai, bao nhiêu tuổi, có sở thích gì, yêu gì, ghét gì, đâu là mối quan tâm và rào cản của họ, họ thích đọc gì, điều gì sẽ khiến họ thích thú, ấn tượng, khơi gợi cảm xúc và hành động. Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin thứ cấp, bạn có thể phỏng vấn họ để tìm hiểu sâu hơn.

Tin mình đi, cách này sẽ giúp bài viết của bạn trở nên thu hút và dễ chấp nhận hơn. Vì đơn giản, chẳng ai quan tâm thứ không dành cho mình. Nếu bạn không viết cho tôi, vậy tại sao tôi cần quan tâm đến nội dung của bạn?

4. Không nghiên cứu thông tin

Ngay cả người viết chuyên nghiệp cũng gặp phải lỗi này. Thật ra khâu tìm hiểu thông tin còn quan trọng hơn bước thực viết nhiều lần. Giống như muốn nấu một bữa ăn ngon, bạn phải có đầy đủ các loại nguyên liệu tươi sạch, phù hợp. Rau hư, thịt hỏng, cá ươn sẽ không cho ra món ăn ngon miệng, an toàn. Tương tự, một bài viết sai, thiếu hoặc có thông tin không phù hợp sẽ chẳng thuyết phục nổi bất kỳ ai.

“Người tiêu dùng content” ngày nay vô cùng thông thái, họ có thể chỉ ra lỗi sai của bạn trong tích tắc. Và tin mình đi, bạn sẽ không có cái gọi là cơ hội thứ hai đâu. Vì thế, hãy nghiên cứu kỹ càng, cẩn thận nhiều nguồn thông tin cho chủ đề cần viết. Hãy thử nhiều cách tiếp cận và hình thức nội dung khác nhau. Sẽ có nhiều công việc cần hoàn thành, nhưng nó xứng đáng!

5. Viết mà không có dàn ý

Điểm này đã được mình để cập nhiều lần trong các bài viết trước. Hãy nhớ rằng bạn cần có một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành một cuốn sách, bài báo, luận án hay bất kỳ loại content nào. Nếu lao ngay vào viết mà không có sự chuẩn bị, bạn sẽ bị mất phương hướng.

Một dàn ý tốt chính là chiếc la bàn định hướng cho nội dung. Dù bạn có là chuyên gia thì vẫn khó có thể ghi nhớ mọi thông tin trong đầu. Đó là lý do bạn cần dàn ý. Nó giúp bạn cấu trúc bài viết, thiết lập thứ tự logic cho luận điểm chính, phụ và các thông tin bổ trợ, giúp thông điệp hoàn thành sứ mệnh của mình. Tuỳ thuộc vào độ phức tạp của content và thông điệp, hãy dành thời gian để nghiên cứu và lên dàn ý chi tiết. Không có nó, bạn dễ đi lạc trên trang viết, mắc kẹt ở một đoạn nào đó, viết quá dài hoặc quá ngắn ở một phần hay không phát triển được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, mạch lạc.

6. Vừa viết vừa sửa

Đây là thói quen xấu nhiều người viết mắc phải. Đang viết ngon trớn thì thấy nhịp điệu câu nghe có vẻ gượng gạo, thế là bạn dừng lại và cắt gọt cho mượt hơn. Nhưng điều đó lại khiến 4 câu phía trước nghe hơi hẫng, và thế là 30 phút trôi qua làm ngưng trệ mạch viết.

Hãy cố gắng đừng chỉnh sửa cho đến khi hoàn thành bản nháp đầu tiên. Khi đó, bước chỉnh sửa cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì bạn đã có trong tay dàn ý lẫn nội dung, tương tự như bản đồ và kinh nghiệm thực địa. Nhờ vậy, bạn sẽ tìm ra con đường ngắn, đẹp và phù hợp nhất để đến mục tiêu. Ngoài ra, cách này sẽ giúp bạn hoàn thành bài viết nhanh hơn. Hoàn thành bài viết nhanh hơn lại cho bạn nhiều thời gian hơn để chỉnh sửa. Thế là bài viết có thêm cơ hội trở nên tốt hơn và bạn cũng có cơ hội rèn luyện để trở thành người viết giỏi hơn.

7. Phản ứng thái quá khi nhận đánh giá

Người làm nghề viết không thích sửa đi sửa lại nhiều lần. Chẳng ai muốn thấy content mình bỏ công sức, thời gian ra viết ra bị chê lên bờ xuống ruộng, cảm giác như thấy “đứa con đứt ruột đẻ ra” bị người khác bạo hành. Nhưng khi và viết theo yêu cầu của người khác, sẽ vô cùng hiếm có chuyện content được duyệt ngay từ vòng đầu tiên. Thông thường, nó sẽ phải trải qua ít nhất 2-3 vòng sửa theo ý khách hàng.

Và không phải khách hàng nào cũng biết cách feedback mang tính xây dựng và ra vấn đề. Hãy đọc kỹ feedback (dù nhẹ nhàng hay gay gắt), lùi lại một bước để thấu hiểu nó, và hãy sửa nếu nó phù hợp. Nhưng nếu còn khúc mắt, bạn có thể nêu lên quan điểm để đôi bên cùng bàn bạc.

Không ai thích nhận phản hồi tiêu cực, đặc biệt là các nhà văn. Họ thường rất cá tính và không thích người khác chê bai tác phẩm của mình. Vì viết lách đầu tiên là một trải nghiệm mang tính cá nhân. Nhưng hãy tỉnh táo phân biệt giữa lời chê bai thiếu thiện chí, sự công kích cá nhân với phản hồi mang tính xây dựng. Đó có thể là đánh giá hợp lý cho bạn cơ hội cải thiện nội dung, đưa nó lên một tầm cao mới và phù hợp hơn dưới góc nhìn của người đọc.

8. Viết quá nhiều thứ cùng lúc

Đây vừa là thói quen, vừa là đặc trưng nghề nghiệp của tác giả sách, Content Writer đến Freelancer. Tại các Agency, lúc thấp điểm, một Content Writer có thể phụ trách cùng lúc 2-3 projects, còn mùa cao điểm thì chẳng đếm nổi. Đặc biệt, khi theo đuổi nghiệp viết lách tự do, để duy trì thu nhập tối thiểu, Freelancer thường phải chạy đồng thời 3-5 projects (hoặc nhiều hơn).

Mặc dù làm càng nhiều thì bạn càng có nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ lẫn thu nhập. Nhưng nếu không biết cách quản lý, bạn phải đánh đổi sự tập trung, chất lượng nội dung lẫn sức khoẻ. Không phải cứ ngồi phòng máy lạnh gõ laptop là thoải mái, vì áp lực deadline vừa gấp vừa nhiều có thể nhấn chìm bạn.

Hãy biết đâu mới là điều quan trọng và dành ưu tiên cho nó. Đâu là dự án bạn muốn thực hiện và phù hợp nhất với năng lực? Trong giai đoạn này, mục tiêu của bạn là sự nghiệp, tiền bạc, mối quan hệ hay sức khoẻ? Và nếu muốn trở thành người viết giỏi, bạn chỉ nên tập trung vào một dự án trong một khoảng thời gian nhất định, hơn là làm việc nửa vời cho nhiều dự án cùng lúc. Vì sự tập trung thường mang đến kết quả ngọt ngào hơn trong phần lớn trường hợp.

Tạm kết

Ai cũng có thói quen xấu, công việc nào cũng có “bệnh nghề nghiệp”, người làm nghề viết không ngoại lệ. Muốn trở thành một người viết giỏi, bạn cần nhận diện các thói quen xấu, thấu hiểu bản thân và tìm ra cách vượt qua chúng. Chính kỷ luật và sự nỗ lực sẽ đưa bạn đến gần hơn với hình ảnh người viết mình mơ ước. Chúc bạn vẫn sẽ viết tiếp những câu chuyện hay dù gặp bất kỳ trở ngại nào!

Cảm ơn bạn đã theo dõi chiếc Blog https://gemysix.com/ nhỏ xinh này. Đây là nơi mình chia sẻ nội dung về Kỹ năng viết, Content Marketing, Freelance Writer và phát triển bản thân. Và mình là Quynh Nguyen.

Nguồn hình ảnh: https://unsplash.com/, https://www.pexels.com/vi-vn/

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top