Viết để chữa lành – Writing to Heal

Kỹ năng viếtLeave a Comment on Viết để chữa lành – Writing to Heal

Viết để chữa lành – Writing to Heal

Mục lục bài viết

Trên đường đời, ai cũng có thể gặp những thời điểm khó khăn cần nỗ lực để vượt qua và lấy lại sự cân bằng. Có người chọn cách tư vấn tâm lý, đi du lịch, đổi việc hay môi trường sống. Số khác lại chọn đến với nghệ thuật như vẽ tranh, học đàn, học nhảy, đọc sách, xem phim… Và với mình, chính kỹ thuật Viết để chữa lành – Writing Therapy đã trở thành công cụ giúp giải toả suy nghĩ, cảm xúc và tìm lại cân bằng.

Đến cả nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã cho ra đời cuốn sách “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” viết trong giai đoạn giãn cách xã hội với chia sẻ: “Viết trong đại dịch để chữa lành vết thương tâm hồn”. Dịch COVID-19 khiến ông mỏi mệt, hoang mang và mất mát. Ông chọn cách ngồi vào bàn viết để thoát khỏi sự bủa vây của cái buồn và tạo ra thế giới hạnh phúc cho riêng mình.

Vậy liệu pháp tâm lý Viết để chữa lành – Writing Theraphy thực sự là gì mà có sức mạnh to lớn đến vậy? Liệu bạn có dám tin ngòi bút cũng có thể vực con người dậy khỏi vũng lầy tăm tối?

1. Viết để chữa lành là gì?

Liệu pháp viết hay viết để chữa lành là một hình thức trị liệu diễn đạt. Trong đó, bạn viết về những suy nghĩ và cảm xúc của mình như một cách giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần, chữa lành tổn thương và xử lý các vấn đề trong cuộc sống.

Viết để chữa lành đang được áp dụng rộng rãi trong đời sống hiện đại. Vì nó có chi phí thấp, dễ tiếp cận và linh hoạt. Mỗi lần viết là một lần bạn được sắp xếp lại tư duy lẫn những vấn đề của bản thân để thay đổi, sáng tạo và phát triển.

2. Lợi ích của viết để chữa lành

Lý thuyết về cách thức hoạt động của liệu pháp viết chữa lành cho rằng sự ức chế hoặc kìm nén cảm xúc, sự kiện đau buồn hoặc các khía cạnh trong danh tính cá nhân sẽ tạo thành tác nhân gây căng thẳng có tác động xấu đến sức khỏe. Lúc này, liệu pháp viết là cách bạn bộc lộ cảm xúc dưới dạng văn bản, từ đó góp phần giải toả cảm xúc bị kìm nén và loại bỏ tác nhân gây căng thẳng.

Viết chữa lành mang đến nhiều giá trị hữu ích, từ cải thiện trí nhớ, giúp ghi chú lại những sự việc, kỉ niệm quan trọng đến giúp bạn thư giãn sau một ngày học tập, làm việc. Viết chữa lành thường xuyên có thể giúp người viết tìm thấy ý nghĩa trong trải nghiệm cuộc sống, nhìn mọi thứ từ một góc nhìn mới, và nhìn thấy điều tích cực trong những trải nghiệm tiêu cực. Nó cũng có thể giúp bạn mở ra những hiểu biết quan trọng về bản thân và thế giới mà nếu không viết, bạn sẽ khó cảm nhận sâu sắc.

Theo nghiên cứu, viết có thể chữa lành tình trạng của những người từng trải qua sự kiện đau buồn hay giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Một bài tập viết lách khác đã được thử nghiệm trên hơn 100 bệnh nhân hen suyễn và viêm khớp dạng thấp cũng cho kết quả khả quan. Một nghiên cứu gần đây cho thấy viết lách thậm chí có thể cải thiện hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Liệu pháp viết chữa lành được chứng minh là có hiệu quả đối với nhiều bệnh lý tâm thần như:

  • PTSD – Rối loạn stress sau sang chấn
  • Rối loạn lo âu
  • Trầm cảm
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Đau buồn và mất mát
  • Lạm dụng chất gây nghiện
  • Rối loạn ăn uống
  • Gặp vấn đề trong các mối quan hệ
  • Các vấn đề về kỹ năng giao tiếp
  • Lòng tự trọng thấp

Hơn thế nữa, viết chữa lành có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ tổng thể:

  • Cải thiện hệ thống miễn dịch
  • Ít cần đến bác sĩ thăm khám hơn
  • Giúp học sinh, sinh viên cải thiện điểm số
  • Giảm đau đớn thể chất lẫn cảm xúc
  • Điều chỉnh huyết áp
  • Cải thiện chức năng gan
  • Tăng cường trí nhớ
  • Thúc đẩy năng suất

Bạn có thể đọc các bài viết khác của mình về lợi ích của viết lách dưới đây:

3. 4 kỹ thuật viết để chữa lành

Có nhiều kiểu viết chữa lành khác nhau, tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Dù bạn chọn bất kỳ phương pháp nào thì nó cũng có thể giúp bạn phát triển suy nghĩ và cảm xúc cá nhân, diễn đạt sáng tạo hơn và lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống.

1 – Viết tự do

Đầu tiên và cũng đơn giản nhất là viết tự do. Bạn có thể viết bất cứ thứ gì bạn muốn, bất cứ chủ đề nào trong suy nghĩ. Bạn có thể nhận thấy mình đang lặp đi lặp lại một vấn đề hoặc không biết viết gì tiếp theo, không sao cả. Bạn có thể viết tên mình hoặc ghi xuống câu “hiện tại tôi chưa biết viết gì”. Sau khi thả lỏng đủ sâu, dần dần dòng suy nghĩ và cảm xúc của bạn sẽ được thúc đẩy và chuyển hoá thành con chữ. Đừng quá áp lực!

Viết tự do là phương pháp hữu hiệu giúp bạn nhận thức được thế giới bên ngoài lẫn nội tâm trong phút giây hiện tại, giống như hình thức chánh niệm. Hãy dành 10 – 20 phút mỗi ngày để dòng suy nghĩ tuôn trào trên trang giấy hoặc bàn phím. Thay vì viết với một mục tiêu và tự giới hạn bản thân, hãy để viết lách trở thành bản năng. Khi nào hoàn thành, hãy đọc lại và suy ngẫm về từng vấn đề mình vừa viết ra.

2 – Viết nhật ký biết ơn

Bạn hãy dành ra 15 phút trước giờ đi ngủ để viết ra 3 điều mình khiến mình cảm thấy biết ơn nhất trong ngày, liên tục 7 ngày, 30 ngày hay ngày qua ngày đều được. Đó có thể là những việc lớn như được thăng chức, tăng lương, nhận được sự giúp đỡ từ người khác hay những việc nhỏ bé như ngày cuối tuần thảnh thơi, ăn một bữa ngon hay nhận được một nụ cười từ người khác.

Phương pháp này đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả cao. Nó giúp giảm stress, giúp bạn tìm thấy điều tích cực hơn về các vấn đề trong cuộc sống và khiến bạn ngủ ngon hơn.

3 – Viết thư

Bạn có thể viết thư cho chính mình hoặc người khác. Hãy viết thư cho người bạn thấy biết ơn hay người bạn lỡ gây tổn thương. Hãy viết thư cho bạn của quá khứ, hiện tại và tương lai.

  • Nếu bạn đang phải trải qua cuộc ly hôn, chia tay hoặc cần chữa lành vết thương lòng liên quan đến một mối quan hệ, hãy viết thư cho người có liên quan.
  • Nếu bạn đang đối mặt với mất mát hoặc cái chết, hãy viết một lá thư nói với người đã qua đời bạn cảm thấy thế nào, bạn nhớ gì, bạn đã học được gì, bạn tha thứ và sẽ sống tiếp như thế nào.
  • Nếu bạn đang đối mặt với sợ hãi, lo lắng, đau buồn hoặc trầm cảm, hãy viết một lá thư cho những khái niệm to lớn, nặng nề này. Nói với sự lo lắng đừng dẫn bạc đi lạc lối. Nói với đau buồn hãy để bạn yên. Cảm ơn trầm cảm đã ghé qua, giúp bạn hiểu được giá trị của cuộc sống rồi gửi gió mang nó đi.
  • Nếu bạn đang tìm kiếm động lực, hãy viết một lá thư gửi đến mình niềm vui, hạnh phúc, lạc quan, tích cực và sự kiên trì.

Hãy thử viết bất cứ điều gì bạn muốn, gửi nó đi, giữ lại cho mình hoặc đơn giản là đốt và quên nó. Bạn có thể tìm hiểu trang web www.futureme.org có thể gửi những bức thư đến tương lai cho ai đó hoặc cho chính mình.

4 – Viết phản tư

Thuật ngữ phản tư có nghĩa là hướng ý thức vào bản thân mình, ngẫm nghĩ về trạng thái tâm lý của mình. Để bắt đầu, hãy viết về suy nghĩ và cảm xúc cả tích cực và tiêu cực về một sự kiện, cuộc gặp gỡ hay một vấn đề nào đó. Hãy tìm hiểu sự kiện này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào và những bài học rút ra.

Vì tự nhận thức là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển cá nhân. Phương pháp này giúp bạn hiểu cách mình phản ứng với mọi thứ xung quanh. Những gì bạn viết ra có thể xem là tấm gương phản chiếu chân thực suy nghĩ sâu thẳm nhất của tâm hồn, cho phép bạn lắng nghe và quan sát chính mình một cách sáng rõ.

4. Lưu ý trong quá trình viết

Tuỳ từng phương pháp và mỗi người mà quy trình viết chữa lành có thể khác biệt. Nhưng nhìn chung, bạn có thể sử dụng 5 bước theo nguyên tắc WRITE dưới đây:

  1. W – What: Bạn muốn viết về điều gì?
  2. R –  Review or reflect on it: Hãy nhắm mắt, hít thở sâu và tập trung đánh giá về điều mình muốn viết.
  3. I – Investigate your thoughts and feelings: Tự vấn suy nghĩ và cảm xúc.
  4. T – Time yourself: Đặt ra thời gian viết liên tục cho chính mình, có thể từ 5 – 15 phút hoặc 20 – 30 phút.
  5. E – Exit “smart”: Đọc lại những gì bạn đã viết và suy ngẫm sâu sắc về nó.

Một số lưu ý giúp quá trình viết để chữa lành trở thành một trải nghiệm thú vị:

  • Bạn có thể sử dụng bất cứ hình thức viết nào mình thích: sổ tay và bút hay máy tính, điện thoại…
  • Dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để viết.
  • Viết ngắn hay dài, nhanh hay chậm không quan trọng, hãy viết theo tốc độ và dòng suy nghĩ, mạch cảm xúc của chính mình.
  • Đừng lo lắng về chính tả, ngữ pháp, tông giọng, tính logic hay việc bạn viết hay dở ra sao. Quan trọng là viết ra những gì có ý nghĩa và tự nhiên với bạn.
  • Đừng sợ bị người khác đánh giá vì bạn đang tự viết cho chính mình, bạn có thể chọn gửi thư đi, giữ lại cho bản thân hoặc xoá bỏ nó.
  • Viết liên tục nhiều ngày, từ 5 – 30 phút mỗi ngày, trong 7 ngày, 30 ngày, hoặc mỗi ngày, để tạo nên nói quen và nâng cao hiệu quả.

Tạm kết

Viết để chữa lành (Writing Therapy) là một phương pháp đơn giản mà hữu hiệu để chữa lành tâm hồn. Nó đã giúp mình thay đổi khá nhiều trong suy nghĩ, cảm xúc, cách đối thoại với bản thân và nhìn nhận thế giới. Bạn không cần phải là một nhà văn chuyên nghiệp để bắt đầu. Tất cả những gì bạn cần là một tờ giấy, một cây bút và một động lực để viết.

Một người chị từng nói với mình rằng: “Em hãy xem mọi thứ là hành trình chứ không phải tổn thương hay bất hạnh. Em chỉ đang trải nghiệm hành trình của chính mình.” Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ tìm thấy cảm hứng để viết và trải nghiệm hành trình tuyệt vời mà viết để chữa lành có thể mang đến, giống như mình đã từng.

Mời bạn đón đọc các bài viết thuộc chuyên mục Kỹ năng viết tại đây hoặc theo dõi các cập nhật mới nhất tại blog https://gemysix.com/. Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

Nguồn thông tin:

Please follow and like us:
fb-share-icon
Đây là blog về Kỹ năng viết lách, Content Marketing và Freelance Writing. Và mình là Quynh Nguyen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top